34 cổng thu phí
Trong đề án thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM sắp được Công ty Công nghệ Tiên Phong báo cáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, có 34 cổng thu phí được xây trong vành đai khép kín (không đặt hai trạm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất), nhằm giảm lượng ôtô cá nhân vào khu vực nội thành giờ cao điểm.
Các cổng thu phí tự động được xây xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh quận 5, 10 như: đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với Cách Mạng Tháng Tám) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Phí xây dựng khoảng 1.500 tỷ đồng do nhà đầu tư bỏ ra, thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời hạn 15 năm (2018-2034).
Nhà đầu tư chỉ cung cấp giải pháp, còn tiền phí được sử dụng thế nào do chính quyền TP HCM quyết định.
Sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến
Khi triển khai thu phí, mỗi ôtô sẽ mở một tài khoản. Lúc xe vào khu trung tâm giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản.
Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và thông báo xử phạt, sau đó báo qua đơn vị đăng kiểm không cho đăng kiểm cho đến khi nộp phạt.
Thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần nghiên cứu trước, chủ đầu tư sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR). Cách này được cho là đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ôtô mỗi giờ trên một làn.
Chỉ thu phí giờ cao điểm
Ôtô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ôtô khách là 50.000 đồng.
Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp.
Ôtô biển xanh cũng phải nộp phí
Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…).
Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%.
Tiền thu được dùng phát triển vận tải hành khách công cộng
Toàn bộ tiền phí sẽ lập quỹ hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng như: tăng đầu tư xe buýt mới, miễn phí đi xe buýt ở khu trung tâm, đầu tư thêm các nhà chờ... nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt, giảm xe cá nhân.
Theo tính toán của đề án, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%. Việc này giúp thay đổi hành vi sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Bùi Xuân Cường, hạn chế ôtô vào nội đô không phải là ý tưởng mới, mà là một trong những nội dung thuộc đề án Hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng mà Sở đã đặt hàng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT).
"Chúng tôi không nói ủng hộ hay không, về đề án thu phí ôtô vào nội đô. Nhưng với tư cách là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố, Sở GTVT sẽ tập hợp tất cả ý kiến của các sở ngành, phản biện của các chuyên gia, người dân để báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét", ông Cường nói.
Hồi năm 2010 UBND TP HCM chấp thuận đề xuất của Công ty Tiên Phong về dự án tổ chức thu phí ôtô vào trung tâm. Đến cuối năm ngoái Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở GTVT phối hợp với đơn vị đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện đề án và xem đây như một trong những giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm.
Theo đơn vị đề xuất, xe máy là phương tiện đi lại chính của người dân, đảm trách gần 80% chuyến đi, nên các giải pháp hạn chế xe gắn máy trong thời điểm này là rất khó khả thi. Vì vậy, dự án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố theo mô hình của Singapore là hoàn toàn hợp lý.
Mỗi ngày có hơn 100.000 ôtô ra vào trung tâm TP HCM - lượng xe so với diện tích đường đã ở mức độ bão hòa nên di chuyển rất chậm. Trong khi đó, ôtô vẫn tiếp tục tăng nhanh từng ngày (hiện toàn thành phố có hơn 650.000 ôtô đăng ký), nếu không có biện pháp hạn chế thì ùn tắc ở khu vực trung tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Hữu Công