Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) trả lời VnExpress về tiến độ cũng như vướng mắc khi triển khai thu phí không dừng.
- Sau 7 năm, đến nay việc lắp đặt thu phí không dừng vẫn chưa hoàn thành, theo ông nguyên nhân vì sao?
- Dự án thu phí không dừng lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam với công nghệ khá phức tạp, trạm BOT vừa lắp đặt ETC vừa duy trì làn một dừng (MTC) để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân. Chúng tôi không phải làm chậm mà cần có thời gian thử nghiệm, vừa làm vừa khắc phục lỗi. Có trạm đã lắp xong ETC nhưng vẫn bị ùn ứ do phương tiện chưa gắn thẻ, hay đường có lưu lượng lớn thì phải lắp thêm làn ETC.
Lần đầu tiên dự án thu phí không dừng triển khai nên cơ chế chính sách còn một số bất cập. Ví dụ quy định không cho phép doanh nghiệp dự án BOT đầu tư hệ thống thu phí không dừng tại trạm mà phải do đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt, khiến một số doanh nghiệp BOT không đồng tình. Sau khi Thủ tướng ban hành quyết định 19 tháo gỡ khó khăn, tạo đồng thuận của các nhà đầu tư BOT và ngân hàng, tiến độ lắp đặt được đẩy nhanh hơn.
Theo quyết định 19, nhà đầu tư BOT được tự đầu tư hệ thống ETC tại trạm và đấu nối với cơ sở dữ liệu của đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí (BOO).
Tôi cho rằng tiến độ hoàn thành cơ bản lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh vào năm 2020 là phù hợp với thực tế, nếu năm 2019 là khá gấp gáp. Đài Loan cũng mất 8 năm để hoàn thành thu phí không dừng, Việt Nam mất 5 năm (2015-2020) thì không phải là chậm.
- Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng thu phí không dừng sẽ minh bạch tài chính, giảm ùn tắc. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này sau gần 7 năm triển khai?
- Tôi thấy đã đạt được mục tiêu, các phương tiện không còn phải dừng tại trạm thu phí, được chạy qua trạm tốc độ 30-40 km/h trừ trường hợp sự cố. Thời điểm dịch bệnh, lái xe không cần mở cửa kính để trả tiền, không tiếp xúc với người bán vé. Trạm thu phí không phải đổi tiền lẻ trả tiền cho lái xe, nhân lực trước đây 40 người mỗi trạm nay đã giảm một nửa, sắp tới giảm nhiều nữa.
Dự án ETC là thêm một kênh giám sát thu phí, giúp cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát các đơn vị thu phí chính xác, minh bạch. Sau một thời gian, các bên đều thấy rõ hiệu quả của dự án. Hàng ngày các bên BOT và BOO đối soát, kiểm tra chéo nhau về doanh thu, lệch một đồng cũng phải xác minh.
- Năm 2020, hai dự án ETC trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành cơ bản. Từ giờ đến cuối năm, còn hạng mục gì phải triển khai?
- Ngành giao thông đã hoàn thành hai dự án ETC tại gần 80 trạm BOT trên tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh vào năm 2020. Thời điểm đó có 8 tuyến đang bị dừng hoặc sắp dừng thu phí không phải lắp đặt ETC.
4 dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa có vốn đầu tư nên được lùi thời gian lắp đặt. Hiện, chủ đầu tư đã có kế hoạch thu phí trên các tuyến cao tốc này từ tháng 9 năm nay.
Trước đây, các trạm thu phí phải có ít nhất một làn ETC, bên cạnh các làn MTC để phục vụ nhu cầu của chủ xe. Song đến nay đã có 2,6 triệu xe dán thẻ nên các trạm phải lắp đặt toàn bộ làn ETC và chỉ để một làn hỗn hợp để tăng khả năng lưu thông. Do đó, 118 trạm BOT đang phải bổ sung làn ETC, chúng tôi dự kiến tháng 6 tới sẽ hoàn thành toàn bộ.
- Theo kế hoạch, đến năm 2023, các trạm thu phí sẽ bỏ barie, tiến tới chỉ có giá long môn tại trạm. Ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện mục tiêu này?
- Bỏ barie còn phụ thuộc vào lộ trình từng bước thu phí không dừng toàn bộ, bỏ làn một dừng, hỗn hợp tại các trạm, như sắp tới thí điểm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng rồi nhân rộng các tuyến cao tốc khác và cao tốc Bắc Nam. Để bỏ barie còn phải có chế tài cho phương tiện trả phí sau, xử phạt nếu chủ xe không trả tiền phí. Các chế tài này đang được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu.
Hệ thống không dừng trước đây có trục trặc như barie không mở dù đã trừ tiền trong tài khoản, trừ tiền hai lần... Các lỗi đã khắc phục cơ bản, phản ảnh của người dân về lỗi thẻ không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, để tiến tới bỏ barie, những lỗi này cần được khắc phục triệt để.
- Số lượng thẻ mới đạt gần 60% trong khi không có quy định bắt buộc ôtô phải dán thẻ thu phí không dừng. Vậy giải pháp nào để tăng số xe dán thẻ lên 80%?
- Năm 2020 mới có gần một triệu thẻ được dán, phù hợp với tiến độ lắp đặt ETC tại các trạm BOT. Hiện người dân đã thay đổi nhận thức khi đi qua làn ETC không phải dừng chờ trả phí nên đã sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Số phương tiện đã dán thẻ chiếm gần 60% số xe cả nước.
Để đạt kế hoạch xe dán thẻ chiếm 80%, kênh thanh toán đã cải tiến nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Nhà đầu tư BOO1 đã liên thông với một số ngân hàng để tự động nạp tiền vào tài khoản giao thông. Nhà đầu tư BOO2 đang có ví điện tử Viettel Pay, sẽ liên kết với tài khoản thu phí không dừng và ngân hàng. Người đi ít chỉ cần nộp số tiền nhỏ vào tài khoản để sử dụng.
Có ý kiến cho rằng cần giảm phí đối với xe sử dụng dịch vụ không dừng để khuyến khích người dân dán thẻ. Tuy nhiên, nếu giảm phí thì doanh thu dự án BOT giảm, ảnh hưởng phương án tài chính và nợ ngân hàng. Hiện phần lớn dự án BOT đều giảm doanh thu do lưu lượng giảm nên không thể giảm phí.
Chúng tôi cũng đã tính đến chế tài cho phép xe chưa đủ tiền hoặc xe bị lỗi thẻ, lỗi kỹ thuật thì sẽ nộp tiền sau; yêu cầu các đơn vị thu phí cải tiến hơn phương thức thu phí không dừng. Nhà cung cấp dịch vụ phải đến từng chủ xe để dán thẻ.
Theo tôi, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vận tải có đầu xe nhiều và công chức cần gương mẫu sử dụng thẻ không dừng. Khi sử dụng dịch vụ này, các phương tiện được nhiều mặt lợi là tăng tốc độ lưu thông qua trạm, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại.
Hiện tình trạng phương tiện đi không dán thẻ hay thẻ không có tiền vẫn đi nhầm vào làn không dừng, gây ách tắc giao thông. Thời gian tới lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm xe đi sai làn, tạo thông thoáng cho làn không dừng.