Thông tin được Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, đơn vị tổ chức thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường tại thành phố nêu trong báo cáo mới đây.
Lý giải nguồn thu không đủ bù chi, đơn vị này cho biết nhiều người không chịu đăng ký qua ứng dụng thu phí nên dễ gây thất thoát. Lòng đường một số tuyến cho ôtô đậu có thu phí như An Dương Vương (quận 5), Lê Hồng Phong (quận 10), Trương Định (quận 3)... bị nhiều cửa hàng kinh doanh, khách sạn, nhà xe chiếm dụng, cản trở việc thu phí.
Ngoài ra, công ty cho rằng phần mềm MyParking hoạt động chưa ổn định; phối hợp giữa đơn vị thu phí với chính quyền các địa phương có các tuyến thu phí đỗ ôtô còn hạn chế...
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải), nói ngoài nguyên nhân trên, năm ngoái thành phố giãn cách xã hội nhiều tháng, tạm hoãn thu phí. Số đường thu phí đỗ ôtô trên địa bàn giảm từ 23 xuống còn 20; ôtô đậu trên các đường ít hơn nên ảnh hưởng doanh thu...
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến thu phí không như kỳ vọng do nhiều xe đỗ dưới lòng đường nhưng không chịu đóng tiền. Hiện, các bên liên quan phối hợp để giải quyết vấn đề này, trong đó tập trung "phạt nguội"; giải pháp công nghệ như triển khai hệ thống cảm biến ghi nhận xe ra vào, bổ sung hình thức thanh toán thuận tiện...
"Những tháng đầu năm nay, nguồn thu phí đỗ ôtô đang tăng dần, từ khoảng 304 triệu đồng hồi tháng 3 tăng lên hơn 400 triệu vào tháng 4", ông Đường nói.
Việc thu phí ôtô đậu ở 20 đường trung tâm TP HCM được triển khai từ năm 2018, nhằm tạo nguồn thu cũng như hạn chế đỗ xe ở lòng đường. Quy trình thu phí thông qua công nghệ, không dùng tiền mặt. Mức phí tính theo giờ, thấp nhất từ 20.000 đến 25.000 đồng cho giờ đầu tiên, tùy xe.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải đề xuất mở rộng thu phí đỗ ôtô lên 31 đường tại quận 1, 3, 4, 6, 10, Phú Nhuận, nâng tổng số tuyến thu phí lên 51.
Gia Minh