"Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của sa sút trí tuệ, chiếm 60-70%, tạo gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội", ThS.BS Trần Thị Hoài Thu, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, nói tại chương trình tư vấn sức khỏe cộng đồng, ngày 21/9.
Alzheimer là bệnh lý não bộ ảnh hưởng lên vùng đảm nhận chức năng học tập, trí nhớ và các khả năng suy nghĩ khác, làm suy giảm hoạt động sống độc lập của người bệnh. Ngoài các yếu tố trên, một số thủ phạm thường gặp có thể dẫn đến Alzheimer là béo phì, chấn thương đầu, lối sống thụ động, những căng thẳng từ công việc, học hành...
Người bệnh thường giảm trí nhớ, gặp khó khăn trong các công việc quen thuộc cũng như ngôn ngữ hay các hoạt động xã hội, mất định hướng về không thời gian, hay quên chỗ cất đồ, giảm khả năng nhận định, phán đoán vấn đề, thay đổi trạng thái và hành vi...
Thống kê từ Liên đoàn bệnh Alzheimer và Sa sút trí tuệ thế giới, cứ mỗi 3 giây lại có một người suy giảm nhận thức tiến triển thành sa sút trí tuệ. Năm 2023, ước tính thế giới có khoảng 78 triệu người sa sút trí tuệ. Việt Nam có khoảng 500.000 người bệnh sa sút trí tuệ, song phần lớn đều không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh nhân Alzheimer nói riêng và sa sút trí tuệ nói chung ngày càng tăng, trong bối cảnh già hóa dân số. Bệnh hiện chưa quan tâm thích đáng, dẫn đến hầu hết người bệnh đến các phòng khám ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, việc phát hiện sớm, can thiệp sớm, với những thuốc mới sắp ra đời, được kỳ vọng có thể đảo ngược quá trình bệnh. Điều trị ở giai đoạn càng sớm, hiệu quả mang lại càng cao.
"Bệnh không chỉ ảnh hưởng trí nhớ mà còn tác động rất nhiều lĩnh vực chức năng nhận thức như tập trung chú ý, ngôn ngữ, không gian thị giác, khả năng điều hành...", bác sĩ Nghĩa nói.
Bệnh có xu hướng tăng dần theo tuổi, thường gặp ở người trên 60 tuổi. Gần đây, nhiều người đến khám ở tuổi trẻ hơn. Điều này có thể do một số người quan tâm hơn đến bệnh, cũng như sự phát triển của hình ảnh học, có thể phát hiện dấu hiệu của bệnh từ những giai đoạn rất sớm.
Theo bác sĩ Lý Minh Đăng, Khoa Nội thần kinh, điều trị người bệnh Alzheimer đòi hỏi thực hiện đa mô thức, phối hợp nhiều phương pháp, cả dùng thuốc và không dùng thuốc. Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử từ người bệnh và gia đình, thăm khám lâm sàng, đánh giá chức năng thần kinh nhận thức, xét nghiệm thường quy, thực hiện các hình ảnh học, dịch não tủy và xét nghiệm gene khi cần, chẩn đoán và quản lý bệnh.
Một số trường hợp, bác sĩ chỉ định tập nhận thức kết hợp kích thích não không xâm lấn, kích thích từ xuyên sọ, kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ. Thời gian qua, bệnh viện kết hợp trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM) tổ chức rèn luyện trí nhớ và nhận thức cho người trên 50 tuổi có tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ thông qua ứng dụng BrainTrain. Ứng dụng này ngăn ngừa sa sút trí tuệ thông qua các trò chơi.
Nghiên cứu những năm gần đây cho thấy các phương pháp tập luyện nhận thức làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, dinh dưỡng. Người bệnh được khuyến cáo thực hiện chế độ ăn mind, hàng ngày có một khẩu phần salad, một phần rau củ, ba phần ngũ cốc nguyên hạt, một ly rượu vang 30 ml. Hầu hết các ngày đều cần rau xanh, các loại hạt. Thịt gia cầm, quả mọng nước nên ăn hai lần và cá một lần, mỗi tuần. Hạn chế bánh kẹo, thịt đỏ, thức ăn nhanh.
Lê Phương