Human Papilloma Virus (HPV) thuộc nhóm Papova (papillome polyform vacuolization), có hình cầu, đường kính 55 nm, bên trong chứa chuỗi DNA. HPV có hơn 100 tuýp, đa số không gây bệnh, chỉ có khoảng 30 tuýp gây các bệnh ở biểu mô da và màng nhầy.
Tùy khả năng gây ung thư hay không mà các tuýp HPV được chia làm hai nhóm. Một là HPV nguy cơ thấp gây ra mụn cóc ở bàn tay bàn chân, mồng gà ở vùng hậu môn - sinh dục, u nhú đường hô hấp hay tăng sản biểu mô khoang miệng (thường gặp là HPV tuýp 6, 11). Hai là HPV nguy cơ cao hiện có khoảng 15 tuýp gây ung thư, đặc biệt là HPV 16, 18 là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung (99,7% trường hợp).
HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm HPV là một trong những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục phổ biến và dễ dàng nhất. Nguy cơ nhiễm HPV cao nhất khi có tiếp xúc tình dục sớm. Vị trí HPV xâm nhập và khu trú đầu tiên là vùng thượng bì chủ yếu ở lớp biểu mô da và niêm mạc, nhất là những vùng niêm mạc ẩm ướt nhầy.
Tỷ lệ lây truyền HPV giữa nam và nữ qua giao hợp thay đổi từ 5% đến 100%, trung bình khoảng 40%. Tuy nhiên HPV rất đề kháng với nhiệt và khi bị làm khô. Do đó, HPV còn có những đường lây truyền không qua tình dục như qua các đồ vật dụng cụ cắt móng tay móng chân, kềm bấm sinh thiết, đồ lót… Vì vậy bao cao su không thể bảo vệ bạn 100% vì còn tiếp xúc da ở vùng âm hộ, hậu môn. Đặc biệt HPV có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh gây đa bướu đường hô hấp.
Phát hiện nhiễm HPV như thế nào
Nhiễm HPV nguy cơ thấp dẫn đến các tổn thương mụn cóc ở bàn tay, bàn chân, mồng gà vùng hậu môn-sinh dục. Hơn 75% bạn tình bị mồng gà khi tiếp xúc tình dục với nguồn bệnh. Mồng gà có thể gây ngứa, bỏng rát, chảy máu, đau. Nhiễm HPV nguy cơ cao thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, chỉ phát hiện được nhờ vào xét nghiệm tìm HPV.
Khoảng 700 triệu người trên thế giới bị nhiễm HPV, tần suất mắc bệnh thay đổi theo từng quốc gia và theo nhóm tuổi. Độ tuổi có quan hệ tình dục khả năng mắc bệnh cao nhất.
Tỷ lệ nhiễm HPV cũng có liên quan đến tỷ lệ ung thư cổ tử cung. Một nghiên cứu trên 1.050 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung ở 22 quốc gia cho thấy gần 90% do nhiễm HPV tuýp 16, 18. Hầu hết bệnh nhân nhiễm HPV thường không có triệu chứng, do đó bệnh dễ lây truyền khi quan hệ tình dục mà không được biết.
Bình thường, HPV sẽ tự khỏi trong vòng 1-2 năm nhờ khả năng miễn dịch của cơ thể. Nhưng có một số trường hợp đặc biệt:
1. HPV tuýp 16, 18 gây tân sinh biểu mô cổ tử cung (cervical intraepithelial neoplasia, CIN), đồng nghĩa với loạn sản cổ tử cung hay ung thư. Phát hiện virus khi làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) để tìm các tế bào bất thường. Có nhiều mức độ:
- Mức độ nhẹ (CIN 1): Có thể tự khỏi trong vài tháng hay đốt điện. Đôi khi có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung tại chỗ trong 6 năm.
- Mức độ trung bình (CIN 2): Có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung trong vòng 3 năm.
- Mức độ nặng ( CIN 3): Có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung trong vòng một năm.
2. HPV tuýp 6, 11: Khoảng 90% gây sùi mồng gà ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung. Một số ít trường hợp lây nhiễm từ mẹ sang con khi sinh qua ngã âm đạo, gây nhú đường hô hấp (bé khó thở) hay u nhú thanh quản (bé khóc khàn giọng).
3. Ung thư cổ tử cung: Rất thường gặp và gây tử vong cao, ước tính khoảng 1,4 triệu trường hợp trên toàn cầu trong đó 80% xảy ra ở các nước đang phát triển. Theo điều tra của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư vú.
Hiện nay trên thế giới đã có văcxin ngừa HPV, gồm 4 loại. Loại tứ giá phòng ngừa 4 tuýp là 6, 11, 16, 18. Loại nhị giá phòng ngừa 2 tuýp 16, 18. Loại đơn giá phòng ngừa tuýp 16 và loại đơn giá phòng ngừa tuýp 18. Hiện văcxin dịch vụ có Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Gardasil là văcxin tái tổ hợp các tuýp 6, 11 và 18, phòng virus HPV ở người, dùng cho phụ nữ và bé gái từ 9 đến 26 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo… Còn văcxin Cervarix được chỉ định dùng cho nữ 10-25 tuổi để tạo miễn dịch chủ động phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung (ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung).
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn