Bạn thường xuyên chóng mặt, ngay cả lúc vừa ngủ dậy thì không nên bỏ qua, bởi đây là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang có vấn đề. Boldsky chỉ ra những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này để có phương pháp điều trị cụ thể.
Thiếu máu
Một trong những lý do chính khiến bạn thấy chóng mặt là cơ thể bị thiếu máu. Mức độ sắt thấp làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi và choáng váng. Để khắc phục, cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều sắt vào chế độ ăn như thịt, quả lựu và rau xanh...
Mất nước
Cơ thể mất nước dẫn đến lưu thông máu kém, sức khỏe yếu dần, do đó bạn cảm thấy chóng mặt, bủn rủn chân tay, đi đứng không vững.
Thuốc
Một số tác dụng phụ của thuốc khiến bạn bị váng đầu, chóng mặt. Nếu tình trạng này xuất hiện ngay sau khi uống thuốc, cần thông báo cho bác sĩ ngay bởi có thể bạn bị dị ứng thuốc rất nguy hiểm.
Huyết áp
Tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột cũng gây chóng mặt. Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên và có phác đồ điều trị cụ thể bởi nên cẩn trọng với các vấn đề liên quan đến huyết áp.
Nhiễm trùng tai
Trong một số trường hợp, nhiễm trùng tai gây ra cảm giác chóng mặt, tùy thuộc vào mức độ của nhiễm trùng. Nếu bạn đang bị ù tai hoặc cảm giác áp lực, đau trong tai thì nên gặp chuyên gia tai mũi họng để được chẩn đoán.
Tập thể dục quá mức
Một trong những lý do khác khiến bạn cảm thấy chóng mặt là bởi cơ thể đang phải chịu rất nhiều áp lực và căng thẳng từ tập thể dục. Tập luyện quá mức khiến bạn cảm thấy yếu đuối và mệt mỏi, nó còn tồi tệ hơn trong trường hợp uống ít nước sau khi tập luyện.
Thu Hiền