
Một sĩ quan cảnh sát Sri Lanka kiểm tra hiện trường vụ đánh bom ở khách sạn Shangri-La tại thủ đô Colombus của Sri Lanka. Ảnh: AP.
Chính quyền Sri Lanka xác định 8 vụ đánh bom diễn ra gần như đồng thời nhắm vào giáo dân đi lễ Phục sinh ở nhà thờ và nhiều khách sạn hạng sang tại thủ đô nước này hôm qua là do các phần tử khủng bố hoặc tôn giáo cực đoan gây ra. Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka tìm cách trấn an dư luận khi tuyên bố đã bắt 13 nghi phạm, dù chưa nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về loạt vụ tấn công.
Trong khi dư luận Sri Lanka và thế giới chưa hết bàng hoàng vì các vụ đánh bom, giới chuyên gia an ninh cho rằng kế hoạch tấn công được tiến hành bài bản trên quy mô lớn như vậy nhiều khả năng là sản phẩm của một nhóm phiến quân có tổ chức chặt chẽ, đồng thời nó cho thấy giới chức Sri Lanka dường như đã thiếu cảnh giác trước kẻ thù giấu mặt có khả năng tung đòn tấn công tàn khốc đến vậy.
"Lúc này thật khó để xác định thủ phạm của những vụ tấn công đó, nhưng dựa vào lịch sử bất ổn của quốc gia Nam Á này cũng như những căng thẳng chính trị hiện nay, chúng ta có thể điểm mặt chỉ tên một vài nhóm nhiều khả năng đã thực hiện loạt vụ đánh bom", Siegfried O. Wolf, chuyên gia tại Diễn đàn Dân chủ Nam Á có trụ sở ở Brussells, Bỉ, nói.
Theo Wolf, 4 nhóm có động cơ để thực hiện những vụ tấn công đẫm máu này là phiến quân Hồi giáo, các tổ chức Phật giáo cực đoan, phiến quân Tamil và nhóm đối lập vũ trang muốn gây bất ổn cho chính phủ của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nhằm tìm cách thiệt lập lại chính quyền độc tài.
"Nhưng tôi không cho rằng các nhóm Phật giáo cực đoan có đủ khả năng tiến hành những vụ tấn công đồng loạt trên quy mô lớn như vậy. Nếu muốn tấn công, họ cũng không dại gì chọn mục tiêu vào các nhà thờ Công giáo", chuyên gia an ninh này nói. Sri Lanka là nước có đa số dân theo đạo Phật và mâu thuẫn giữa họ với hơn 7% người theo Công giáo thỉnh thoảng nổ ra.
Liên minh Truyền giáo Quốc gia Sri Lanka, tổ chức đại diện cho hơn 200 nhà thờ ở nước này, năm ngoái xác nhận 86 trường hợp phân biệt đối xử, đe dọa hay bạo lực với người Công giáo và 26 vụ tương tự trong năm nay, trong đó có trường hợp các nhà sư Phật giáo đe dọa ngăn cản các buổi lễ ở nhà thờ. Tuy nhiên, những lời đe dọa hay đụng độ này chỉ diễn ra ở mức độ lẻ tẻ, khó phát triển thành một kế hoạch tấn công đồng thời ở nhiều khu vực.

Các linh mục Công giáo ôm nhau bên ngoài nhà thờ Thánh Athony ở thủ đô Colombus của Sri Lanka sau vụ tấn công hôm 21/4. Ảnh: Reuters.
Quốc gia Nam Á này đang trong giai đoạn hồi phục từ cuộc nội chiến 1993-2009 giữa lực lượng chính phủ và phong trào Những con hổ Giải phóng Tamil (LTTE) đòi độc lập cho người Tamil ở vùng đông bắc. LTTE từng sở hữu lực lượng vũ trang mạnh và một đội quân đánh bom liều chết mang tên Hổ Đen, nhưng tan rã từ năm 2009 dưới sức ép của quân đội chính phủ.
Wolf không tin rằng tàn quân của LTTE tiến hành các vụ tấn công khủng bố hôm qua, bởi trong giai đoạn nội chiến khốc liệt nhất, nhóm này gần như không bao giờ nhắm mục tiêu vào người Công giáo và người nước ngoài. "Theo tôi, sự tàn bạo của loạt vụ tấn công và việc chọn mục tiêu là các nhà thờ vào lễ Phục sinh cho thấy dấu ấn của các tổ chức Hồi giáo cực đoan quốc tế như al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và/hoặc chi nhánh địa phương của chúng", ông nhận định.
Theo giới quan sát quốc tế, kể từ khi bị đánh bại ở Trung Đông, các nhóm phiến quân như IS hay al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ (AQIS) đang tăng cường hoạt động ở Nam Á, tập trung ở những quốc gia như Afghanistan và Pakistan, nơi các phần tử cực đoan hoạt động mạnh. Ở những quốc gia vừa trải qua nội chiến như Sri Lanka, các nhóm khủng bố này tìm thấy nhiều điều kiện thuận lợi để vươn vòi bạch tuộc.
Sau khi đánh tan LTTE bằng chiến dịch quân sự quy mô lớn, chính phủ Sri Lanka đã rất nỗ lực để vãn hồi hòa bình và kiểm soát tình trạng bạo lực ở quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo này. Nỗ lực của họ được đền đáp khi Sri Lanka trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khách du lịch nước ngoài trong những năm qua, dù một số vụ đụng độ giữa những phần tử tôn giáo, sắc tộc cực đoan vẫn diễn ra ở các vùng khác nhau.
Tuy nhiên, Wolf cho rằng cuộc nội chiến giữa người Sri Lanka theo đạo Phật (hay còn gọi là người Sinhala) chiếm đa số và người Tamil theo đạo Hindu đã kết thúc vào năm 2009, nhưng ngọn lửa xung đột vẫn luôn âm ỉ khi chính phủ chưa có bất cứ giải pháp chính trị nào cho vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo phức tạp. Mâu thuẫn đó càng lớn hơn cùng với những căng thẳng ngày càng tăng về kinh tế, tài chính của Sri Lanka.
Hiện trường các vụ đánh bom ở Sri Lanka hôm 21/4.
"Dù chứng kiến làn sóng du lịch bùng nổ, tình trạng phát triển không đồng đều và những tác động từ nước ngoài cũng góp phần thúc đẩy mâu thuẫn chính trị ở đảo quốc này", Wolf nói.
Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena bất ngờ sa thải Thủ tướng Wickremesinghe và đưa thủ lĩnh phe đối lập Mahinda Rajapaksa lên thay. Rajapaksa nổi tiếng là người có quan điểm cứng rắn và kiên quyết trấn áp phong trào nổi dậy của người Tamil khi giữ chức tổng thống hai nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015.
Tuy nhiên, động thái này đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiến pháp ở Sri Lanka, khi Thủ tướng Wickremesinghe quyết không từ chức, cho rằng quyết định của Tổng thống là vi hiến. Quốc hội Sri Lanka hai lần bỏ phiếu bất tín nhiệm với Rajapaksa nhưng đều bị Tổng thống Sirisena bác bỏ. Chỉ đến khi tòa án can thiệp và từ chối công nhận quyền lực của Rajapaksa, tổng thống Sirisena mới tái bổ nhiệm Wickremesinghe làm Thủ tướng vào tháng 12/2018.
Theo các chuyên gia, loạt vụ tấn công đẫm máu hôm qua sẽ gây thêm sức ép chính trị đáng kể đối với Thủ tướng Wickremesinghe, đồng thời củng cố sức mạnh cho phe đối lập do Rajapaksa làm thủ lĩnh, bởi ông này từng có thành tích và kinh nghiệm đối phó với phiến quân.
"Phe đối lập rõ ràng sẽ lợi dụng biến cố này để kêu gọi xây dựng một chính phủ cứng rắn hơn cùng các biện pháp mạnh tay hơn với cộng đồng người thiểu số dưới danh nghĩa ngăn chặn bạo lực. Tôi tin rằng uy tín của Thủ tướng Wickremesinghe đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau loạt vụ khủng bố", Wolf nói.

Binh sĩ Sri Lanka mang súng đứng gác ngoài nhà thờ Thánh Anthony sau vụ tấn công. Ảnh: Reuters.
Một bộ trưởng trong chính phủ Sri Lanka thừa nhận các cơ quan tình báo, an ninh của họ đã nhận được cảnh báo về một âm mưu tấn công lớn trước đó 10 ngày, nhưng họ đã quá chú trọng vào việc đối phó với người Tamil mà bỏ qua mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố quốc tế và chi nhánh của chúng ở quốc gia này.
Sự lúng túng của lực lượng an ninh Sri Lanka trong việc đối phó với loạt vụ tấn công quy mô lớn cho thấy chính phủ nước này chưa sẵn sàng và chưa có khả năng đối phó với sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố quốc tế trên lãnh thổ của mình.
Trong khi an ninh, cảnh sát Sri Lanka tiến hành các chiến dịch mạnh tay trấn áp cái mà họ gọi là "mầm mống phản loạn" của người Tamil, mối đe dọa từ việc al-Qaeda và IS mở rộng địa bàn hoạt động đã không được chú trọng đúng mức. Chỉ khi làn sóng ngầm đó cuộn trào thành những vụ khủng bố khiến ít nhất 290 người thiệt mạng và 500 người bị thương, họ mới nhận ra nguy cơ này, nhưng dường như đã quá muộn.
Thành Nguyễn (Theo DW, Guardian)