Câu chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương - giám đốc VCPMC - đòi tác quyền hai show diễn của Khánh Ly ở Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua một mặt cho thấy thách thức trong việc thực thi quyền tác giả tại Việt Nam, mặt khác đặt ra những câu hỏi về cách thức hoạt động của Trung tâm trong việc bảo vệ quyền lợi cho tác giả.
Không ít người nhìn nhận nhạc sĩ Phó Đức Phương trong vụ việc như một người hùng, sẵn sàng đứng mũi chịu sào, "lãnh đạn" trong cuộc chiến thu tác quyền. Nhiều ý kiến ủng hộ Phó Đức Phương làm mạnh và triệt để hơn với các nhà tổ chức để không còn tình trạng trốn tránh thực thi nghĩa vụ, góp phần bảo đảm quyền lợi, nâng cao đời sống cho các tác giả.
Theo Phó Đức Phương, các đơn vị tổ chức chương trình xưa nay "lẩn trốn rất nhiều" nhưng tới trường hợp show Khánh Ly, vì mức độ nghiêm trọng nên Trung tâm phải ra tay quyết liệt. Nhiều người cho rằng, việc bầu sô phải trả tiền tác quyền cho tác giả là điều hiển nhiên và được thực thi từ lâu trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, do đã quen với tình trạng "sử dụng miễn phí" nên các nhà tổ chức mới có hành vi phản đối khi được yêu cầu tôn trọng tác quyền. Trước lý lẽ của phía công ty Đồng Dao, rằng Trung tâm đưa ra "giá trên trời", không ít người đặt câu hỏi ngược: Chính nhà tổ chức cũng đang sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ để kinh doanh với mức giá đắt đỏ (lên đến 7 - 8 triệu đồng cho mỗi cặp vé).
Trong lời giải thích về cách thu tác quyền với báo giới, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định, công thức thu của Trung tâm là đúng quy định Nhà nước và đáp ứng tính khoa học. Theo Nghị định 61 của chính phủ, trong lĩnh vực âm nhạc, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích 15 - 21% doanh thu của buổi diễn để trả cho tất cả tác giả (gồm: biên kịch, nhạc sĩ, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, hoạ sĩ). Trên cơ sở đó, Phó Đức Phương cho biết, với các nhạc sĩ phía Trung tâm chỉ nhận 5%.
Tác giả Hà Nội mùa vắng những cơn mưa - Trương Quý Hải - tin rằng việc Phó Đức Phương yêu cầu đơn vị tổ chức phải đóng tác quyền là đúng theo quy định pháp luật. Trương Quý Hải cho biết, anh không thạo lắm về các quy định nên chuyện Trung tâm thu như thế nào anh không nắm rõ và không bàn. Tuy nhiên, phía Trung tâm vẫn thực hiện chi trả tác quyền cho anh đều đặn theo từng quý. Vốn không đặt nặng chuyện tiền nong, mỗi khi nhận tiền bản quyền ca khúc, dù ít dù nhiều nhạc sĩ đều cảm thấy vui vẻ.
"Có một người đại diện cho mình về pháp luật trong việc thu tác quyền không những tiện ích mà còn góp phần nâng cao tính văn minh trong hoạt động nghệ thuật. Phó Đức Phương là nhạc sĩ có tên tuổi, đại diện tác quyền cho nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Tôi tuyệt đối tin tưởng vào Phó Đức Phương", Trương Quý Hải nói.
Tuy tán đồng về mặt chủ trương - cần tôn trọng tác quyền, không phải ai cũng dễ dàng đồng tình với cách thức hoạt động của VCPMC.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, cách thu của Trung tâm đầy cảm tính và tùy tiện. Mâu thuẫn trong việc thu tác quyền, trên hết, xuất phát từ con số. Không chỉ than phiền mức giá mà Trung tâm của Phó Đức Phương đưa ra quá cao so với doanh thu thực tế của show diễn, các nhà tổ chức còn chỉ ra sự không nhất quán, "nâng lên đặt xuống" tùy mỗi show hay từng mối quan hệ. Gần đây nhất, trong cuộc họp báo giải trình vụ việc trì hoãn đóng tác quyền, ban tổ chức show Khánh Ly viện dẫn cách thu không theo nguyên tắc nào của VCPMC trong các đêm diễn sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn, dẫn đến mức chênh lệch mà theo họ là bất hợp lý.
"Nếu như đã có quy định, sao Trung tâm lại giảm giá một cách tuỳ tiện như vậy? Thỏa thuận dân sự phải được sự đồng thuận của nhiều người mới gọi là công bằng và có hiệu lực", nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Nhạc sĩ Lê Quang có cùng nhận định. Anh cho biết, từ trước đến nay anh chỉ nhận tối đa hai triệu đồng tiền tác quyền khi có tác phẩm được sử dụng trong các chương trình có bán vé hay có tài trợ. "Tôi chưa thấy có chương trình nào đòi đến 7-8 triệu đồng mỗi tác phẩm. Nhiều nhà tổ chức cũng chia sẻ với tôi, họ chưa bao giờ thấy một mức giá như thế. Có lẽ tên tuổi tôi còn nhỏ nên tiền ít là đương nhiên, còn các bậc cha chú chắc chắn giá của họ cao hơn. Nhưng nếu chưa tìm được sự thỏa thuận thì Trung tâm nên cần có cách làm việc phù hợp với môi trường về sở hữu trí tuệ thông qua đàm phán chứ không thể như cách làm hiện nay", Lê Quang nói.
Giải thích về chuyện này, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, quy mô các địa điểm tổ chức khác nhau dẫn tới việc có show phải đóng ít, show phải đóng nhiều. "5% của một đêm ở Sân vận động Quốc gia phải lớn hơn 5% ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia chẳng hạn". Ông tiết lộ, trong một đêm nhạc K-pop ở Sân vận động Mỹ Đình, trung tâm của ông đã thu đến 600 - 700 triệu tác quyền, vì quy mô ở đây lớn và doanh thu mà nhà tổ chức thu về có thể lớn gấp 4-5 lần so với việc tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Cách thu bất nhất của Trung tâm đã ảnh hưởng đến việc chi trả cho nhạc sĩ. Quốc Trung nói: "Nếu Trung tâm quy định thu của tôi (với tư cách nhà tổ chức) bao nhiêu thì cũng phải cam kết nộp cho tôi (với tư cách tác giả) bấy nhiêu. Việc giảm giá chỉ có thể trừ vào phần trăm của Trung tâm nếu họ muốn được việc chứ không thể tuỳ tiện, cảm tính được". Nhạc sĩ còn nhắc lại việc Trung tâm trả lời "chưa có phương án thống kê" khi anh hỏi về tác quyền trên truyền hình, để cho thấy Trung tâm chưa thực hiện hết chức năng của họ. "Tôi có ít ca khúc nên cũng không có nhiều tiền tác quyền, nhưng những tác phẩm nhạc không lời của tôi bị sử dụng tràn lan trên ti vi, phim và cả quảng cáo thì chẳng ai thu bao giờ", anh nói.
Nói về chức năng của trung tâm, Lê Quang đề cập đến khía cạnh khác. Nhạc sĩ nhắc lại việc, Phó Đức Phương phản đối Phú Quang khi tự ý ký hợp đồng với show Khánh Ly dù đã ủy thác cho VCPMC. Lê Quang nêu quan điểm: "Dù tôi đã ủy thác quyền tác giả cho Trung tâm đi chăng nữa, thì quyền tác giả của tôi vẫn phải giữ nguyên. Nếu có đơn vị tổ chức nào mà muốn liên lạc thẳng với tôi để trả tiền tác quyền thì cũng đúng thôi. Đồng ý hay không đồng ý tác quyền phải do tác giả quyết định. Không thể nào có chuyện VCPMC lại có thể đại diện tất cả khía cạnh của nhạc sĩ Việt Nam để ký kết hết các vấn đề liên quan được".
Nhạc sĩ Quốc Trung nhận định: "Tên là Trung tâm bảo vệ nhưng thực ra họ là một trung tâm khai thác độc lập, kiểu như một công ty dịch vụ uỷ thác. Việc một ông giám đốc phải đi đòi tiền tận nơi diễn cho thấy năng lực và mục đích thật sự của họ là gì. Tôi thấy thương cho Phó Đức Phương với tư cách là một đồng nghiệp và nghi ngờ năng lực bộ máy của Trung tâm tác quyền đó khi để ông giám đốc phải đi đến tận nơi biểu diễn đòi tiền và mặc cả như vậy".
Sự việc Phó Đức Phương đòi tiền show Khánh Ly còn đặt ra một vấn đề về lối ứng xử giữa các bên trong hoạt động nghệ thuật. Cảnh "cò kè, bớt một thêm hai" hay tranh cãi tay đôi khiến người chứng kiến phải lắc đầu ngán ngẩm. Dù bên nào đúng, bên nào sai, sự việc ầm ĩ để lại điều tiếng không hay. Sau sự việc, hình ảnh nhạc sĩ Trên đỉnh Phù Vân, Hồ trên núi đỏ mặt tía tai trong vai "đòi tác quyền" xuất hiện ở nhiều nơi. Đơn vị tổ chức thì được cho là chưa đủ năng lực tổ chức show lớn với cách thực hiện nghĩa vụ đóng tác quyền như vừa qua. Còn nghệ sĩ liên quan cũng bị ảnh hưởng về tinh thần.
Nguyễn Ánh 9 - người tham gia biểu diễn trong show Khánh Ly chia sẻ: "Những người trong cuộc cũng bị mất hồn, tinh thần dao động thì trình diễn cũng không được tốt mấy, dẫn đến không thể phục vụ tốt nhất cho khán giả. Chúng tôi không bao giờ muốn khán giả mất những giây phút mà họ có thể thăng hoa hơn nữa". Theo nhạc sĩ, làm văn hóa, nghệ thuật nên có cách xử lý kín đáo, tinh tế, riêng tư hơn là lùm xùm hay đặt quá nặng chuyện tiền bạc.
Còn theo Quốc Trung: "Muốn xây dựng văn hoá tôn trọng bản quyền thì đầu tiên phải xây dựng văn hóa trong quan hệ của các khâu trong nền công nghiệp âm nhạc".
Hoàng Anh - Thất Sơn