Thông điệp này được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát đi đúng vào dịp 20/11. "Năm 2008, lần đầu tiên tổng sản phẩm nội địa theo đầu người của Việt Nam sẽ vượt 1.000 USD mỗi năm. "Việt Nam sẽ ra khỏi danh sách các nước nghèo của thế giới", ông viết.
Con số GDP bình quân này được Tổng cục Thống kê (GSO) tính toán theo giá thực tế, dựa trên kết quả kinh tế của 9 tháng đầu năm. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 835 USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay vào khoảng 6,5-6,7%.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, con số thu nhập bình quân đầu người ở trên 1.000 USD là ước tính cho cả năm 2008, được tính toán dựa trên dự báo GDP của nền kinh tế trong năm nay, giả định về tỷ giá hối đoái bình quân trong 12 tháng và dân số của cả năm khoảng 86,18 triệu người.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm được dự báo khoảng 22%. Ảnh: Hoàng Hà |
GSO tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó có GDP bình quân thu nhập đầu người, nhằm phục vụ cho việc Chính phủ xây dựng các kịch bản kinh tế cho năm 2009. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2008 sẽ được "chốt" và công bố trong niêm giám thống kê vào tháng 5 năm sau.
Để tính GDP bình quân, thông thường giới chuyên gia tính theo 2 cách. Thứ nhất là tính theo giá thực tế và tỷ giá đôla. Một cách nữa là phương pháp sức mua tương đương, và được so sánh với các nền kinh tế khác.
Mức GDP bình quân trên 1.000 USD của cả năm sẽ là kết quả bất ngờ với nhiều người Việt Nam. Trong hơn 9.500 người tham gia một khảo sát nhanh trên VnExpress.net (tính đến 14h ngày 27/11), có tới 60,7% cho rằng, GDP bình quân ở dưới 800 USD, và chỉ 10,9% nhận định là trên 1.000 USD. |
GDP bình quân là con số được tính toán theo giá thực tế và là một thước đo về khối lượng sản phẩm nền kinh tế sản xuất ra, cũng như bao gồm cả mức độ biến động giá. Vì thế, GDP bình quân khoảng 1.030 USD thực chất chứa đựng cả yếu tố tăng giá trong năm nay.
Chuyên gia kinh tế tại một tổ chức quốc tế cho rằng, cần xem xét tác động thực tế của tăng trưởng kinh tế đến đời sống người dân dựa trên sức mua của đồng tiền, trong bối cảnh lạm phát tại Việt Nam trong năm 2008 ước tính khoảng 22%. Vì thế, cần trừ đi mức tăng giá 22% và quy đổi theo tỷ giá thời điểm cuối năm.
Với một người có thu nhập 10 triệu đồng trong năm 2007 và tăng lên 11 triệu đồng trong năm 2008, mức tăng vẫn chưa bù lại được mức tăng giá khoảng 22% trong năm. Theo chuyên gia này, GDP tăng lên phản ánh quy mô của nền kinh tế đã tăng, với trường hợp của Việt Nam là nhờ đầu tư tăng. Tương ứng với tổng thu nhập quốc nội tăng, là GDP bình quân đầu người sẽ tăng theo.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khi có GDP bình quân đầu người vượt 950 USD, các quốc gia ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, và bước sang nhóm có thu nhập trung bình. Thông thường, các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ và theo dõi tiến triển kinh tế của các quốc gia này trong vòng 3-5 năm tiếp theo.
Ngọc Châu