"Thực tế, với lương 30 triệu một tháng, chưa chắc đã dám nghĩ đến việc mua nổi nhà ở xã hội (NOXH). Lương dưới 15 triệu thì ở nhà trọ, khó nghĩ đến việc mua được.
Như tôi làm việc trong một khu công nghiệp, có xây một dự án NOXH cho cán bộ công nhân viên KCN mua với giá 25 triệu đồng một m2.
Lúc đầu nghe thông tin như vậy, tôi rất muốn đăng ký để mua một căn, nhưng sau khi nghe tư vấn xong thì bỏ ý định.
Căn hộ tôi muốn mua rộng 67 m2, 2 phòng ngủ, đủ cho gia đình ở, giá tầm 1,7 tỷ. Lúc đầu tôi nghĩ là đóng trước bao nhiêu phần trăm, còn lại vay xin trả góp 15 đến 20 năm, nhưng thực tế thì phũ phàng.
Trước khi được duyệt mua, tôi phải đóng trước 50 triệu phí thủ tục đăng ký mua NOXH. Nếu được duyệt, phải đóng thêm 20 hay 30% (lâu quá tôi không nhớ rõ), nhưng khi nhận bàn giao nhà, bạn phải đóng đủ 50%.
50% còn lại bắt buộc phải trả trong 60 tháng, tầm 12 đến 13 triệu một tháng, ngân hàng không cho vay.
Nghe tới đây, tôi hết muốn mua, nhưng cái quan trọng là bạn không được sở hữu nhà mà chỉ được ký hợp đồng thuê dài hạn 40 đến 45 năm. Tính ra là bạn thuê nhà chứ đâu phải mua nhà. Nếu vậy thì mình thuê sướng hơn, thích ở thì ở, không thích thì chuyển qua chỗ khác".
Độc giả danhtran0602 kể về tình huống gặp phải khi đăng ký mua nhà ở xã hội trước đây. Chia sẻ này được bình luận sau bài viết Thu nhập tối đa 15 triệu đồng mỗi tháng được thuê, mua nhà ở xã hội.
Theo đó, người có thu nhập mỗi tháng không quá 15 triệu đồng sẽ được thuê, mua nhà ở xã hội từ 1/8, tăng thêm 4 triệu so với quy định hiện tại.
Nhiều độc giả cho rằng với mức thu nhập từ 15 triệu đồng trở xuống, trên thực tế rất khó trả góp để mua:
Độc giả Trọng Hiến nói: "Thu nhập dưới 15 triệu đồng mới được mua nhưng thu nhập phải 40-50 triệu đồng một tháng mới có khả năng trả góp nổi".
Độc giả Tuheoit: "Thu nhập 15 triệu đồng, vừa đủ chi phí sinh hoạt vậy tiền đâu trả góp mua nhà?".
Một số độc giả ủng hộ việc cho thuê nhà ở xã hội. "Đồng nghiệp của tôi tại Nhật Bản (người bản địa) rất ít người có khả năng sở hữu nhà. Thay vì sở hữu thì các bạn ấy thuê nhà.
Và ở Nhật, họ cũng có rất nhiều nhà ở xã hội do nhà nước thiết kế, thi công và quản lý điều hành. Chúng ta muốn sở hữu nhà thì buộc phải nâng cao năng lực tài chính của mình.
Mọi chính sách được áp dụng chỉ để hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Còn giá bất động sản không khi nào giảm để có thể phổ thông tới tất cả mọi người", độc giả thechung.arc nêu.
Đồng quan điểm, độc giả Minh nói: "Tốt nhất là cho thuê, tính theo nguyên tắc 3% giá trị nhà, nhà nước tự định giá trị nhà sau mỗi năm. Giá thuê rẻ thì tự khắc người dân sẽ chọn thuê thay vì mua.
Khi nhiều người được thuê, thì chỗ ở được giải quyết, cầu mua nhà giảm. Ngoài ra, chỉ cho ký hợp đồng thuê trực tiếp, tránh tình trạng thuê rồi đem cho thuê lại".
Hữu Nghị tổng hợp