Đó là kết quả của một nghiên cứu do Viện Giáo dục (thuộc Đại học London, Anh) tiến hành, sau khi phân tích số liệu của 40.000 người đàn ông trong độ tuổi từ 25 đến 59 sống tại 24 quốc gia khác nhau. Số liệu được thu thập bởi Chương trình Đánh giá quốc tế về năng lực của người trưởng thành (PIAAC). Điều này cho thấy sự bất bình đẳng có thể truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Ở những nước chênh lệch giàu nghèo càng cao thì mối tương quan giữa trình độ học vấn của cha mẹ và thu nhập của con cái càng rõ.
Ở những nước chênh lệch giàu nghèo không nhiều như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, trung bình thu nhập của những người đàn ông có cha mẹ tốt nghiệp đại học cao hơn trung bình thu nhập của những người có cha mẹ ít học hơn là 20%. Tại Anh và Bắc Ai, con số này là 51%, tại Mỹ thậm chí lên tới 75%.
Xét riêng trường hợp những đứa con có cùng trình độ, vẫn có sự chênh lệch thu nhập giữa nhóm có cha mẹ từng học đại học với nhóm không có bậc sinh thành nào học đại. Ở những nước Bắc Âu, Áo, Đức, Bỉ và Hà Lan, cha mẹ học cao giúp con kiếm tiền nhiều hơn nhóm có cha mẹ học thấp 6%. Còn ở những nước phân hóa giàu nghèo cao như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Anh và Bắc Ai len, những người có cha mẹ học vấn thấp kiếm ít hơn 20% so với người có cùng trình độ với mình nhưng có cha mẹ học vấn cao.
Một phân tích thứ cấp về thu nhập của phụ nữ cũng cho thấy mối tương quan giữa bằng cấp của cha mẹ với thu nhập của con cái. Phụ nữ Anh và Bắc Ailen có cha mẹ tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc thấp hơn) sẽ kiếm được ít hơn 11% so với con gái của người tốt nghiệp đại học, dù họ cùng trình độ.
Tiến sĩ John Jerrim, người đứng đầu nhóm phân tích lý giải: Ở Anh, những người tốt nghiệp một trường đại học danh giá thường có nhiều thuận lợi trong kiếm tiền hơn. Những đứa trẻ có xuất phát điểm cao hơn có xu hướng học trong những trường đại học được xếp hạng cao hơn. Ngoài ra, con cái của các gia đình có nguồn lực tài chính lớn có thể dễ dàng bỏ thời gian để lựa chọn một công việc phù hợp. Không bị áp lực kiếm sống, họ cũng có thể sẵn sàng đi thực tập không lương như một cách trau dồi tay nghề để có thể tìm được một công việc hoàn hảo sau này.
Kim Kim (theo The Guardian)