1. Đánh giá phụ huynh khác
Bạn không đồng tình khi nhìn thấy một người mẹ để con chơi game cả ngày, một người mẹ cho phép con ăn thức ăn nhanh thay bữa tối, một ông bố quên đón con ở trường học… Đúng là những phụ huynh này có thể có những lựa chọn tốt hơn, nhưng thay vì tập trung phán xét sai lầm của họ, bạn nên dành thời gian cho những gì bạn thấy là đúng và nên làm cho con mình. Tốt hơn, bạn hãy tập trung và vui vẻ với công việc làm cha mẹ của bạn.
2. Tự chê trách bản thân
Hẳn bạn từng cường điệu khi nói về bản thân, như: "Ôi hôm nay tôi cảm thấy mình béo quá", "Tôi thật ngu ngốc quá". Tuy nhiên, hãy suy nghĩ hai lần trước khi phát ngôn những lời tiêu cực như thế, đặc biệt nếu con bạn ở gần và có thể nghe thấy. Những đứa trẻ luôn nhìn lên bố mẹ để cảm thấy thoải mái và an toàn. Bọn trẻ sẽ nghĩ thế nào khi chúng biết rằng chính cha mẹ cũng không thấy họ thông minh và tuyệt vời. Nếu con bạn thường xuyên nghe thấy những lời này từ cha mẹ, chúng cũng bắt đầu nói và nghĩ về mình một cách tự ti như vậy.
3. Bận rộn với thế giới ảo
Lần cuối cùng bạn đi chơi cuối tuần mà không mang theo điện thoại cầm tay hay máy tính bảng cách đây đã bao lâu rồi? Hẳn bạn đã bắt gặp cảnh một gia đình ngồi ăn uống trong nhà hàng mà mỗi người cắm cúi vào một cái smartphone và không ai nói chuyện với ai.
Ngày nay, chúng ta thường dán mắt vào điện thoại và bộc lộ cảm xúc của mình ở đó. Chúng ta trở nên bận rộn hơn bao giờ hết và trở thành những người cha mẹ một lúc làm rất nhiều việc, vừa chơi với con vừa lướt web. Những ứng dụng công nghệ có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ của bạn với con cái và ảnh hưởng tới cả cách bạn suy nghĩ về bản thân. Vì thế, hãy thử loại bỏ công nghệ ra khỏi cuộc sống của bạn trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ không dùng điện thoại sau 19h tối. Hãy nói chuyện với con, hãy chơi những trò chơi, hãy cùng đi dạo. Bạn có thể ngạc nhiên với những gì thu nhận được và tâm trạng của bạn được cải thiện như thế nào. Bạn sẽ cảm thấy mối liên hệ với những người bạn yêu quý nhất tốt đẹp hơn rất nhiều.
4. Cố gắng kiểm soát tất cả mọi thứ
Chúng ta không bao giờ muốn thấy con mình thất bại hay bị tổn thương. Tuy nhiên, thất bại, tổn thương... cũng là một phần của cuộc sống. Vì thế, việc bạn cố gắng kiểm soát tất cả những gì bé nói, bé làm và trải nghiệm là một việc làm rất phù phiếm. Việc kiểm soát quá mức đi kèm với ý thức áp đặt con cái vốn có của người làm cha mẹ sẽ khiến đứa trẻ có tư tưởng chống đối lại bạn. Bạn có thực sự muốn điều đó? Hãy cho bọn trẻ một không gian nhỏ và để chúng có thể mắc sai lầm. Bảo vệ trẻ an toàn là một chuyện, nhưng kiểm soát suy nghĩ và hành động của con lại là một chuyện khác. Hãy để trẻ được học từ chính sự trải nghiệm của mình, điều này sẽ giúp bé phát triển trong tương lai.
5. Chụp ảnh tất cả mọi thứ
Chắc chắn điều này sẽ khiến nhiều phụ huynh không hài lòng, nhưng tốt nhất hãy bớt chụp ảnh con bạn đi. Hãy để máy ảnh ở nhà để tận hưởng cuộc sống xung quanh. Hiện chúng ta quá quen thuộc với việc chụp ảnh và đăng những bức ảnh này trên các phương tiện truyền thông. Nhưng mải mê chụp ảnh, bạn sẽ không thực sự cảm nhận được hết những gì xung quanh. Bạn và con bạn có nên thế không?
6. Nói xấu những người mà bé yêu quý
Đó có thể là vợ chồng cũ của bạn, mẹ chồng của bạn, anh chị em của bạn hay cô giáo của bé… Một người, một lúc nào đó có hành động khiến bạn giận và bạn muốn trút giận bằng cách nói về những điểm xấu của người đó. Tất nhiên, bạn có thể xả giận khi không có trẻ ở bên. Bọn trẻ không cần phải nghe điều xấu về những người chúng yêu quý, bất kể họ như thế nào. Hãy giữ những điều giữa người lớn với nhau và để bé được vui vẻ với họ mà không cảm thấy khó xử.
7. Bạn không biết từ chối
Bạn sẵn sàng đưa con tới khu vui chơi, sẵn sàng tải một trò chơi trên máy tính về cho bé. Bạn không ngần ngại mua kem khi con đòi. Bạn muốn đem niềm vui đến cho con, muốn chúng được hưởng những gì xứng đáng, những thứ mà bạn đã không được hưởng khi còn nhỏ. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ hãy nhớ điều này, đừng dễ dàng chiều theo tất cả đòi hỏi của trẻ, bởi như thế có thể làm hư trẻ, chúng sẽ chỉ biết đòi hỏi. Hãy thiết lập những giới hạn và để trẻ biết điều đó.
8. Tình cảm ảo
Buổi tối, bạn và con ngồi xem phim. Bạn nằm trên chiếc ghế dài. Đầu tiên, bạn mở điện thoại viết status trên Facebook rằng bạn đang xem phim cùng con. Bạn có thể chụp ảnh bé và post lên mạng. Tuy nhiên, khi bạn không chú tâm vào hoạt động mà bạn tham gia cùng trẻ, trẻ sẽ cảm nhận được điều đó. Bạn sẽ xử sự thể nào khi nghe trẻ hỏi: Mẹ không xem phim à? Rõ ràng, chẳng có gì quan trọng đến mức bạn không thể đợi đến sau khi xem phim cùng con. Hãy tạo ra những ký ức thực sự cùng bé hơn là chỉ mải mê post lên mạng.
9. Bạn quá cứng nhắc
Nếu ghét tàu lượn, có thể bạn sẽ không bao giờ cho con chơi trò này. Nếu bạn không thích món sushi, con của bạn cũng khó có cơ hội được ăn. Điều này sẽ dễ dàng và thoải mái với bố mẹ nhưng biết đâu, con bạn lại thích cái không khí mạo hiểm hay muốn nếm thử hương vị cay nồng của món cá ngừ cuộn. Bạn nên dành thời gian để thử những điều mới và xem những gì con bạn bị cuốn hút. Hãy để cho trẻ khám phá thế giới và hình thành nhận thức của riêng mình.
10. Không nói "Bố (mẹ) yêu con"
"Mẹ (bố) yêu con”. Ba từ đó có ý nghĩa thật lớn. Nếu đó là cụm từ mà bạn không thường xuyên được nghe trong cuộc sống, bạn sẽ không dễ nói ra. Tuy nhiên, đây thực sự là một món quà quý với trẻ nhỏ. Tình cảm dành cho trẻ nên được thể hiện bằng cả hành động và lời nói. Hãy nói những lời này và bạn cũng sẽ nhận được những lời này từ trẻ.
Việt Hưng (Theo Dynamom)