Tối qua tôi có đọc được một bài viết hỏi về cách quản lý chi tiêu trong một diễn đàn tài chính. Người viết là một người vợ, hai vợ chồng có thu nhập khá cao, cứ ngỡ sẽ dư giả, nhưng không hiểu vì sao cuối tháng tổng kết chi tiêu lại thấy sát nút, hầu như không để dành được gì.
Cụ thể, người vợ lương văn phòng 12 triệu một đồng một tháng, anh chồng kiếm hơn 50 triệu đồng một tháng. Nhìn bảng thu nhập, ai cũng vội "ném đá" hai vợ chồng, một là flex thu nhập, hai là xài sang quá, thu nhập như vậy mà còn kêu thì những người lương thấp hơn biết sống sao.
Nhưng khi nhìn sang bảng chi tiêu, tiền thuê nhà, cho con đi học, ăn uống, hiếu hỷ... của gia đình này ở mức bình thường. Phần chi tiền nhiều nhất và nặng nhất, cứ tưởng là hưởng thụ cho gia đình nhưng không phải. Khoản chi nhiều nhất của gia đình này là chi phí công việc cho người chồng.
Để kiếm được 55 triệu đồng một tháng, anh chồng phải chi 20-25 triệu đồng một tháng cho "chi phí công việc". Đây là câu chuyện điển hình cho những người làm nghề đối ngoại, ngoại giao cho công ty. Ngay cả những người làm ăn kinh doanh ngoài, thu nhập khá cao, nhưng sau khi trừ những chi phí như quà cho đối tác, ăn nhậu để ký hợp đồng... số "thực nhận" còn lại chẳng là bao.
Tôi cũng từng rơi vào trường hợp như vậy, gần một nửa số lương đã biến mất vào các khoản chi tiêu phục vụ cho công việc. Tiền nhà, đi lại, ăn uống, trang phục chỉn chu và cả những bữa tiệc cùng đối tác đều tiêu tốn đáng kể. Rồi đến những chi phí tưởng chừng không đáng kể như mua quà tặng... tất cả gộp lại thành gánh nặng tài chính nặng nề.
Nhiều người lao động, đặc biệt là trong môi trường công sở, đều phải xây dựng hình ảnh cá nhân. Chi phí cho vẻ ngoài không chỉ là trang phục, mà còn là chi phí làm đẹp, duy trì phong thái chuyên nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Tất cả đều là nghĩa vụ bất thành văn để đáp ứng yêu cầu công việc.
Chưa kể, mức thu nhập tốt dễ tạo cảm giác "có tiền thì hưởng thụ". Nhưng điều này đôi khi lại đẩy người ta vào vòng xoáy tiêu dùng vô tận. Dần dần, chúng tích tụ thành áp lực tài chính, khiến việc tiết kiệm trở nên khó khăn hơn.
Nghịch lý là, trong khi nhiều người nhìn từ bên ngoài vào sẽ nghĩ rằng bạn giàu có, thì bạn lại phải vật lộn để tiết kiệm. Số tiền lẽ ra để dành cho tương lai bị đẩy dần vào những chi phí bất ngờ, hoặc các nhu cầu phát sinh không báo trước.
Thu nhập cao thường luôn đồng nghĩa với áp lực cao, giải quyết công việc, nghe điện thoại, trả lời tin nhắn hầu như 24/7, nhưng tính ra, lại không thể sống "an nhàn" hơn một người thu nhập 20 triệu nhưng không phải bỏ tiền chi phí cho công việc.
Chính vì nhận ra điều này nên tôi đã nghỉ việc công ty lương cao, xài nhiều mà chọn việc thu nhập giảm một nửa, thậm chí 2/3 nhưng lại để dành được nhiều tiền hơn.
Có những người thu nhập hàng trăm triệu nhưng vẫn nợ nần vì tiêu xài không kiểm soát. Nhưng cũng có người chỉ với thu nhập vừa phải vẫn xây dựng được cuộc sống ổn định.
Cuối cùng, tài chính cá nhân không nằm ở con số bạn kiếm được, mà ở số tiền bạn có sau khi đã chi tiêu. Và điều quan trọng hơn cả, tài chính không phải là áp lực buộc bạn phải gồng gánh, mà là công cụ giúp bạn sống một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn hơn.
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về tài chính cá nhân về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Golden Gate