Buổi chiều cuối năm ngồi cà phê với nhau, cậu em họ gần 30 tuổi của tôi mới thú nhận đã bị công ty cho lay off từ cuối tháng 10, đang sống bằng số tiền kiết kiệm ít ỏi. Khi nhìn sang bạn bè cùng trang lứa vẫn có việc làm, thậm chí còn dự đi sắm nhà, mua xe thì thấy áp lực vô cùng.
Tôi rất bất ngờ trước lời than vãn trên. Trong nét mặt và ánh mắt, tôi tin đó là lời chia sẻ thật lòng của một người trong lúc đang gặp khó khăn và hoang mang trong cuộc sống.
Tôi mới hỏi, em làm trong ngành IT, một ngành có mức thu nhập bình quân khá cao so với nhiều ngành nghề khác, chừng ấy năm, tại sao lại không để dành được gì? Em kể, ngay từ năm thứ ba sau khi ra trường, thu nhập có lúc đã 30 triệu đồng một tháng, một năm là 360 triệu, nhưng tại sao lại không để dành được gì?
Bài viết này tôi chỉ muốn đưa ra một góc nhìn mới về mối quan hệ của thu nhập và chi tiêu. Còn những sự cố như cá độ, chơi tiền ảo bị mất tiền tôi sẽ không đề cập tới.
Theo tôi, người trẻ ngày nay có thu nhập cao nhưng khó tích lũy, là tại vì họ chỉ chăm chăm nhìn vào mức thu nhập hàng tháng của mình. Giống như đứa em này, nghĩ thu nhập 30 triệu mỗi tháng là cao, nên tôi có quyền thuê căn chung cư 8 triệu đồng để ở, điện nước, chi phí dịch vụ cũng suýt soát 10 triệu đồng, tức một phần ba thu nhập.
Cũng vì nghĩ mình thu nhập mỗi tháng 30 triệu, nên tôi có quyền tự thưởng cho bản thân đi ăn ở những nơi sang trọng với bạn bè, mỗi năm đi vài chuyến du lịch trong lẫn ngoài nước. Vì tôi có thu nhập 30 triệu đồng, nên tôi có quyền đổi điện thoại mới mỗi năm, mua nhiều đồ chơi công nghệ chỉ dùng vài lần rồi bỏ xó, sau đó phải thanh lý với giá lỗ sâu...
Chi tiêu tỷ lệ thuận với mức thu nhập là sai lầm mà nhiều người mắc phải. Bởi nhu cầu của con người thì vô hạn, trong khi mức thu nhập thì có và không phải lúc nào cũng tăng tương ứng.
Trong khi đó, nếu thu nhập thực chất hàng tháng được tính bằng số tiền bạn có thể tiết kiệm, thì tài chính cá nhân của một người sẽ luôn vững vàng. Tôi không tính lương 30 triệu, chỉ cần lương 10 triệu nhưng áp dụng cách trên, mỗi năm vẫn có thể dành dụm một số tiền kha khá. Ví dụ, lương 10 triệu nhưng đặt mục tiêu tiết kiệm mỗi tháng 4 triệu đồng, các chi tiêu còn lại gói gọn trong mức 6 triệu đồng.
Bây giờ, đứa em của tôi cho hay đã trả căn hộ, dọn xuống phòng trọ thuê để ở, ăn uống cũng chỉ dừng lại ở mức cơ bản, giống thời sinh viên.
Nếu cứ chi tiêu theo nhu cầu bản năng dựa trên thu nhập, thì khi có sự cố xảy ra, dòng tiền không còn nữa thì phải tập lại lối sống thanh bần, trong khi tiền dự trữ cho rủi ro không có là bao nhiêu.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.