Với khả năng bay đường dài mà không tốn nhiều năng lượng, chim hải âu là nguồn cảm hứng lớn để các kỹ sư hàng không nghiên cứu cải thiện hiệu suất máy bay. Dựa trên cấu trúc cánh đặc biệt của loài chim biển này, Airbus vào năm 2019 đã bắt tay phát triển AlbatrossONE với thiết kế đầu cánh có khớp nối, cho phép chuyển động linh hoạt khi gặp gió mạnh.
"Chim hải âu khóa khớp cánh ở vai để di chuyển đường dài, nhưng khi gặp gió giật, chúng có thể mở khóa khớp để điều hướng gió", trưởng nhóm dự án Tom Wilson mô tả. "Đầu cánh của AlbatrossONE cũng hoạt động theo cơ chế tương tự".
So với phiên bản thử nghiệm đầu tiên vào năm ngoái, mô hình thứ hai có phần đầu cánh dài hơn 75%. Theo kỹ sư trưởng James Kirk, thiết kế đầu cánh đặc biệt cho phép máy bay lướt qua gió giật mà không truyền tải trọng uốn sang cánh chính, điều này có nghĩa là Airbus cần ít vật liệu hơn để gia cố cánh máy bay và do đó, làm giảm trọng lượng của phương tiện.
Ngoài ra, chiều dài đầu cánh cũng có thể được mở rộng mà không làm tăng thêm trọng lượng của cánh vì tải trọng phụ từ đầu cánh không truyền sang cánh chính. Sự mở rộng đáng kể về sải cánh với tác động tối thiểu lên trọng lượng sẽ làm giảm lực cản, dẫn đến giảm nhiên liệu đốt và lượng khí thải CO2. Lực cản do lực nâng gây ra chiếm khoảng 40% tổng lực cản của máy bay, nhưng con số này sẽ giảm khi chiều dài sải cánh tăng lên, Airbus giải thích.
"Vẫn còn rất nhiều công việc kỹ thuật cần hoàn thiện trước khi chúng tôi có thể chứng minh AlbatrossONE là một sản phẩm khả thi. Nhóm dự án muốn đạt được mục tiêu này để truyền cảm hứng cho các kỹ sư khác hiện thực hóa ý tưởng đầy tham vọng về máy bay tương lai", James chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo Airbus/Simple Flying)