Công ty hàng không Airbus có trụ sở ở Pháp hôm qua đã công bố kế hoạch sản xuất ba mẫu máy bay hoàn toàn mới với mục tiêu không phát thải khí nhà kính. Cả ba đều chạy bằng hydro, một loại nhiên liệu sạch chỉ thải ra hơi nước trong quá trình đốt cháy.
"Những ý tưởng mà chúng tôi tiết lộ cho thấy tham vọng của Airbus trong việc hướng đến một tương lai với các chuyến bay không phát thải. Tôi thực sự tin tưởng rằng nhiên liệu hydro có khả năng làm giảm đáng kể tác động của ngành hàng không tới khí hậu. Nếu trở thành hiện thực, đó sẽ là sự chuyển đổi quan trọng nhất mà ngành này từng chứng kiến", Giám đốc điều hành của Airbus Guillaume Faury nhấn mạnh.
Theo Faury, mẫu máy bay thương mại đầu tiên chạy bằng hydro có thể cất cánh vào năm 2035. Nó có thể chở tối đa 200 hành khách và đạt tầm bay xa khoảng 3.700 km khi đổ đầy nhiên liệu. Phương tiện sử dụng thiết kế động cơ phản lực cánh quạt bao gồm các turbine khí chạy bằng hydro. Các thùng chứa nhiên liệu sẽ được đặt phía sau vách ngăn chịu áp suất ở đuôi máy bay.
Mẫu thứ hai cũng sử dụng thiết kế động cơ phản lực cánh quạt nhưng có kích cỡ nhỏ hơn. Nó có thể chở 100 hành khách với tầm bay ngắn hơn một nửa so với mẫu máy bay đầu tiên.
Trong khi đó, mẫu máy bay cuối cùng là một phương tiện có thân "đặc biệt rộng", mở ra nhiều lựa chọn cho việc lưu trữ hydro và bố trí cabin. Do đó, nó có thể chở nhiều hành khách và đạt tầm bay xa hơn hai mẫu còn lại.
Mặc dù đã lên ý tưởng, Airbus cho biết vẫn cần ít nhất 5 năm để hoàn thiện công nghệ trước khi đưa các mẫu máy bay vào sản xuất. Việc sử dụng hydro cũng đòi hỏi một số thay đổi thiết kế lớn đối với máy bay vì loại nhiên liệu này yêu cầu không gian lưu trữ gấp 4 lần so với nhiên liệu máy bay phản lực cho cùng một mức năng lượng.
Trong nỗ lực hỗ trợ ngành hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chính phủ Pháp đã chi tới 1,5 tỷ euro (tương đương 1,75 tỷ USD) để phát triển máy bay không carbon và có kế hoạch đầu tư thêm 7 tỷ euro cho các giải pháp hydro nói chung.
Đoàn Dương (Theo Guardian/AFP)