Để tạo ra thuốc, nhóm nghiên cứu của SAB Biotherapeutics lấy tế bào da từ một con bò và loại bỏ các gene chịu trách nhiệm tạo kháng thể cho bò. Thay vào đó, họ chèn một nhiễm sắc thể nhân tạo để tạo ra kháng thể ở người.
Nhóm nghiên cứu đặt DNA của các tế bào đó vào trứng bò và biến nó thành phôi. Sau đó, họ cấy phôi vào một con bò để mang thai. Bằng cách này, 20 năm qua họ đã tạo ra hàng trăm con bò giống hệt nhau về mặt di truyền, tất cả chúng đều có một phần hệ thống miễn dịch tương tự ở người.
Sau đó, các nhà khoa học tiêm vào bò loại virus được làm suy yếu để chúng tạo ra kháng thể của người chống lại virus.
Theo SAB, kết quả xét nghiệm cho thấy các kháng thể chống nCoV do bò sản xuất hiệu quả gấp 4 lần so với kháng thể từ bệnh nhân hồi phục. Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Pittsburgh.
Việc sử dụng huyết tương từ bò đã được biến đổi gene mang một số lợi thế so với người hiến huyết tương. "Thứ nhất, bò có phản ứng miễn dịch mạnh hơn người và việc tiêm dặm nCoV càng làm cho phản ứng đó mạnh hơn. Thứ hai, bò lớn hơn nên nhiều huyết tương hơn. Sau cùng, chúng có thể cho huyết tương ba lần một tháng, thay vì mỗi tháng một lần như con người", thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
"Các con bò đang tạo ra các kháng thể trung hòa tiêu diệt nCoV, ở quy mô trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi rất mong chờ thuốc được sử dụng tại phòng khám để giúp bệnh nhân chống lại Covid-19", Eddie Sullivan, CEO của SAB cho biết.
Công ty này đã sản xuất hàng trăm liều thuốc có tên là SAB-185 dùng trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên họ vẫn chưa cho biết rõ thuốc này sẽ được sử dụng để phòng ngừa hay điều trị bệnh nhân Covid-19 hoặc cả hai.
Tháng 5, công ty công nghệ sinh học Moderna cũng tuyên bố hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vaccine chống Covid-19. Ở giai đoạn đầu, vaccine đã được chứng minh là an toàn. Công ty có kế hoạch tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào tháng 7.
Lê Cầm (Theo CNN)