Việc khỉ điều khiển trỏ chuột máy tính bằng não không phải là điều quá mới mẻ", Giáo sư Andrew Jackson của Đại học Newcastle nói sau khi xem video thử nghiệm khỉ chơi game của Neuralink. "Cuộc trình diễn của Neuralink không khác nhiều so với năm 2002".
Năm 2002, một nhóm các nhà nghiên cứu, đứng đầu là Tiến sĩ Mijail D Serruya, đã thử nghiệm thành công việc khiến một con khỉ di chuyển con trỏ chuột máy tính theo ý muốn bằng não, không cần sử dụng đến tay. Tuy vậy, hệ thống khi đó khá sơ khai, các nhà khoa học đã gắn trực tiếp và kết nối có dây lên vỏ não của khỉ. Công nghệ này sau đó được ứng dụng để giúp những người bị liệt toàn thân có thể sử dụng máy tính ở một số tác vụ hạn chế.
Theo Giáo sư Jackson, ý tưởng đằng sau công nghệ dùng não để điều khiển máy tính đã có từ những năm 1960. Năm 1969, một nhà nghiên cứu có tên Eberhard Fetz đã nối một chiếc kim trên đồng hồ với một tế bào thần kinh duy nhất trong não khỉ, sau đó huấn luyện con khỉ di chuyển chiếc kim đó chỉ bằng hoạt động não.
Năm 2019, khi Elon Musk lần đầu nhắc đến việc có thể khiến khỉ điều khiển con trỏ máy tính bằng não thông qua hệ thống của Neuralink, Andrew Hires, một trợ lý giáo sư chuyên về sinh học và thần kinh tại Đại học California, nói rằng ông không ngạc nhiên. "Con khỉ không lướt web. Nó chỉ có thể di chuyển con trỏ để khớp với mục tiêu", Hires nói. Nhận xét này khá trùng khớp với video được Neuralink đăng tải.
Giới khoa học cho rằng việc khỉ điều khiển máy tính không phải là đột phá mang tính cách mạng. Tuy nhiên, họ dành nhiều lời khen cho kỹ thuật cấy chip không dây vào não bộ mà Neuralink đang thực hiện.
Tháng 9 năm ngoái, sau khi Neuralink thử nghiệm thành công hệ thống chip trên lợn, Giáo sư Jackson đã cho rằng việc cấy chip không để lộ qua da là tiến bộ lớn. "Bất kỳ công nghệ giao diện máy - não không dây nào được cấy lên cơ thể mà không nhô ra khỏi da là tốt vì nó giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nó sẽ hữu ích không chỉ cho động vật, mà còn cho cả con người", Giáo sư Jackson nói.
Rylie Green, một nhà nghiên cứu kỹ thuật sinh học tại Đại học Imperial College London, cho biết đã xem video và đánh giá cao hệ thống của Neuralink. "Điều tốt nhất tôi có thể thấy từ video là con khỉ đuôi dài di chuyển tự do. Tôi không thấy bất kỳ máy móc nào kết nối với nó. Đó là sự tiến bộ. Nó không quá cao siêu nhưng là bước tiến lớn", bà Green chia sẻ.
Hôm 9/4, Neuralink đăng hai video trên YouTube về thành tựu mới của mình. Trong đó, một con khỉ có tên Pager được cấy hệ thống chip não bên trong và chơi trò MindPong một cách thuần thục. Ban đầu, Pager chơi game với cần điều khiển để làm quen. Nhưng sau khi đã thích nghi, con khỉ có thể điều khiển trò chơi hoàn toàn bằng não.
Việc Neuralink cấy chip cho khỉ chơi game từng được Elon Musk tiết lộ trên Clubhouse đầu tháng 2. Hôm 9/4, ông tiếp tục chia sẻ trên Twitter rằng sản phẩm đầu tiên của Neuralink sẽ "cho phép người bị liệt sử dụng smartphone bằng trí óc nhanh hơn người bình thường dùng ngón tay cái".
Năm ngoái, Neuralink đã thử nghiệm cấy chip vào não một con lợn có tên Gertrude và đạt kết quả khả quan. Hệ thống do Neuralink phát triển đã ghi lại các tín hiệu liên kết từ một vùng não đến mõm. Khi mõm của Gertrude chạm vào một đồ vật nào đó, một loạt dấu chấm và tiếng động xuất hiện trên màn hình, cho thấy các tế bào thần kinh đang hoạt động và được hệ thống ghi nhận.
Neuralink Corporation được thành lập bởi Elon Musk vào tháng 7/2016. Công ty hướng đến phát triển giao diện thần kinh máy tính - não. Ban đầu, Musk cho biết Neuralink tập trung vào khía cạnh y tế, như khôi phục thị lực, tình trạng chân tay tê liệt, các vấn đề về mất trí nhớ... thông qua cấy ghép chip vào não. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng, dự án còn làm được nhiều việc hơn thế và đặt mục tiêu đạt được sự "cộng sinh" với AI. Tức là một ngày nào đó hệ thống có thể giúp con người tải lên và tải xuống các ý tưởng, dữ liệu và thông tin giống máy tính thông qua trí tuệ nhân tạo.
Bảo Lâm tổng hợp