Trong một sự kiện hồi tháng 8, Elon Musk và Neuralink đã trình diễn những tiến bộ của công nghệ chip não trên ba con lợn. Thiết bị giao diện não - máy tính của công ty có kích thước bằng 4 đồng xu xếp chồng. Musk vẽ ra viễn cảnh về khả năng kiểm soát tâm trí con người và tuyên bố mục tiêu họ hướng đến là có thể tải xuống ký ức của một người sau đó tải lên bộ não của người khác, hoặc đơn giản là lưu trữ ký ức trên máy tính hoặc đám mây.
Tuyên bố chip não sẽ giúp con người có "thần giao cách cảm" của Musk là chủ đề gây tranh cãi trong giới khoa học, công nghệ. Tại Hội nghị Tencent Science WE 2020 diễn ra trực tuyến ngày 7/11, Miguel Nicolelis, Giáo sư về thần kinh học tại Đại học Y khoa Duke, thành viên Viện Hàn Lâm Khoa học Brazil, nói việc kiểm soát ý nghĩ, tải lên bộ nhớ và sự bất tử trong giao diện não - máy tính của Elon Musk chỉ là một chiến lược tiếp thị.
Nicolelis là một trong những nhà khoa học tiên phong về nghiên cứu giao diện máy não với kinh nghiệm hơn 20 năm. Năm 2014, ông áp dụng kết quả nghiên cứu của mình tại lễ khai mạc World Cup ở Brazil, giúp một thiếu niên liệt nửa thân dưới có thể chuyển động xương cơ học và khởi động một cách nhịp nhàng qua điều khiển não - máy tính.
"Là người tiên phong trong việc tạo ra giao diện não - máy tính, tôi có thể nói viễn cảnh kiểm soát hoàn toàn tâm trí con người qua chip não sẽ không thể diễn ra như trong phim khoa học viễn tưởng", Nicolelis nói. Ông khẳng định không có cơ sở khoa học nào cho tương lai này, Musk đã đưa ra một tuyên bố sai lầm, không giúp ích gì cho sự phát triển của khoa học và ngành chip não. Nicolelis cho rằng tuyên bố của Musk vượt quá tưởng tượng và không đồng ý một chút nào với phát ngôn của vị tỷ phú công nghệ.
Musk nói nút thắt kỹ thuật lớn nhất của Neuralink nằm ở cách cấy ghép các điện cực vào não. Họ chọn con đường công nghệ xâm nhập trực tiếp, cấy chip vào dưới hộp sọ người. Đứng trên phương diện y tế, Nicolelis cho rằng điều này không cần thiết và có rủi ro cao. Ông phản đối các kế hoạch giao diện máy tính - não xâm nhập cơ thể con người theo các này. "Chỉ những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng rất nặng, chẳng hạn bị liệt mới được cấy ghép", Nicolelis nhấn mạnh.
Theo ông, việc cấy ghép nào cũng sẽ có rủi ro, mọi người không nên sử dụng phương pháp xâm nhập trực tiếp. "Tôi không chỉ là nhà khoa học thần kinh mà còn là một bác sĩ. Con người khác động vật và sự an toàn phải đượt đặt lên hàng đầu. Ý tưởng cấy chip vào não người của Musk là ngõ cụt", Nicolelis nói.
Nicollis nói giao diện não - máy tính đã có những tiến bộ vượt trội vài năm qua. Tuy nhiên, thách thức mà giao diện chip não phải đối mặt không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là y tế và đạo đức xã hội. "Tôi kỳ vọng 5 năm tới, chúng ta có thể có những bước đột phá lớn hơn. Công nghệ không dây tốt hơn và các thuật toán học tốt hơn sẽ cho phép não bộ và thiết bị hình thành sự tương tác mượt mà hơn", ông nói. Khi đó, công nghệ giao diện não - máy tính không chỉ tiếp nhận và giải mã tín hiệu mà còn có thể gửi đi các thông điệp.
Kim Cương (theo Techweb)