Tại hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức tại Hà Nội chiều 9/4, thông điệp được lãnh đạo Bộ KHCN gửi tới các lãnh đạo Sở là xác định nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới sáng tạo để khoa học đóng góp rõ nét trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đổi mới sáng tạo được Chính phủ xác định là công cụ và phương thức mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thay thế cho mô hình tăng trưởng dựa trên vốn và nhân lực.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận nỗ lực của các sở KHCN thời gian qua trong việc tham mưu, xây dựng chính sách để KHCN có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế. Song ông cũng thẳng thắn nhìn nhận vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trở thành "nền tảng, quốc sách hàng đầu, nhiều nhiệm vụ nghiên cứu chưa bám sát yêu cầu của sản xuất và đời sống", ông nói.
Theo đó, ngoài các nhiệm vụ trọng tâm, Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu và triển khai các chương trình phát triển KHCN để thực hiện các nhiệm vụ, đề xuất được các giải pháp khả thi, đủ mạnh và có tính đột phá phục vụ tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế địa phương đến năm 2025, định hướng 2030.
Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang cũng nêu rõ, Chính phủ đã coi KHCN, đổi mới sáng tạo là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Theo đó ngành khoa học, các sở cần huy động, khơi thông các nguồn lực để tập trung cho phát triển KHCN.
Ông Giang nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo... "là những vấn đề quan trọng, rất mong các đồng chí tập trung và thống nhất trong hành động", Thứ trưởng Giang nói.
Tại hội nghị, nhiều kiến nghị đã được các lãnh đạo Sở đề xuất, trong đó có cơ chế thử nghiệm chính sách. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KHCN cho biết, Hà Nội đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô, thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Trong đó có chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN TPHCM cũng dẫn ví dụ thực tế rất cần hỗ trợ của nhà nước ở giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiêp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sự phù hợp của sản phẩm với thị trường...). Lý do là vì giai đoạn này gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia, bởi đây là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Lắng nghe các kiến nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, cho phép thử sai, chấp nhận rủi ro. "Đây là vấn đề khó, cần sự quyết tâm, kiên trì của toàn ngành KHCN cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu...", Bộ trưởng nói.
Ông cũng mong muốn trong thời gian tới, các Sở KHCN tiếp tục đề xuất các chính sách để các bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành; xây dựng các đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu quản lý, thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành KHCN. Các Sở cần khai thác kết quả nghiên cứu đã có, ứng dụng phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm chủ lực địa phương.