Kể từ khi tuyên bố thành lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi tháng 7/2014 cho đến khi bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ hôm 26/10, Ibrahim Awad Ibrahim al-Badri, còn được gọi là Abu Bakr al-Baghdadi, được coi là kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất hành tinh.
So với các trùm khủng bố trước đây, Baghdadi và IS không mất quá nhiều thời gian để gieo rắc bất ổn trên khắp Trung Đông và gây kinh hoàng cho cả thế giới.
Khi xuất hiện trong bộ đồ đen tại nhà thờ Hồi giáo ở Mosul, Iraq năm 2014 để tuyên bố thành lập "Vương quốc Hồi giáo", Baghdadi đã đề cập về các nhà nước Hồi giáo trong quá khứ, đặc biệt là triều đại Abbasid (750-1517), được cho là Thời kỳ Hoàng kim của Hồi giáo.
Baghdadi tự nhận là hậu duệ của Nhà tiên tri Mohammed và tuyên bố những công trình nghiên cứu sau đại học về Hồi giáo đã giúp y có một vị trí ngang tầm các vĩ nhân trong lịch sử Hồi giáo.
Trước khi tự xưng là "lãnh tụ" Ibrahim của một "Nhà nước Hồi giáo" trải rộng trên vùng đất có diện tích tương đương Jordan nằm giữa biên giới Iraq và Syria, Baghdadi đã dành một thập kỷ để chuẩn bị cho ngày này.
Ibrahim Awwad Ibrahim Al-Badri sinh năm 1971 tại thành phố Samarra, Iraq trong một gia đình Hồi giáo dòng Sunni có 6 người con. Ngay từ khi còn nhỏ, Baghdadi từng có biệt danh là "Tín đồ". Y dành phần lớn thời gian ở nhà thờ Hồi giáo địa phương và từng chỉ trích với các thành viên trong gia đình vì không tuân thủ các luật lệ Hồi giáo nghiêm ngặt.
Với bạn bè đồng trang lứa, Ibrahim không cho thấy những dấu hiệu sẽ trở thành một thủ lĩnh jihad muốn giải quyết những vấn đề hiện đại bằng các giá trị và truyền thống của Hồi giáo từ thế kỷ thứ 7. Y từng được coi là một cầu thủ bóng đá tiềm năng. Các đồng đội trong đội bóng nhà thờ Hồi giáo địa phương sau này thường ví y với danh thủ người Argentina Lionel Messi.
Baghdadi từng theo học tại Đại học Saddam (nay là Đại học Nahrain) về Nghiên cứu Hồi giáo ở Baghdad, và có bằng thạc sĩ năm 2002, sau đó trở thành tiến sĩ nghiên cứu Hồi giáo 4 năm sau đó.
Sau khi Mỹ tấn công lật đổ chính quyền Saddam Hussein năm 2003, Baghdadi ủng hộ lực lượng dân quân người Sunni được thành lập trong thời kỳ hậu chiến hỗn loạn nhằm chống lại sự chiếm đóng của Mỹ.
Chế độ Saddam Hussein bị lật đổ đã khiến người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số ở Iraq đánh mất vị thế, khi những người Hồi giáo dòng Shiite được Mỹ hậu thuẫn giành hết quyền lực trong chính quyền, xóa bỏ mọi ảnh hưởng từ đảng Ba'ath của người Sunni ở Iraq.
Baghdadi ủng hộ phe cực đoan trong tổ chức Anh em Hồi giáo ở Baghdad, với tư tưởng Salafi, quyết tâm thành lập vương quốc Hồi giáo dựa trên các luật lệ hà khắc và tiến hành cuộc "thánh chiến" nhằm lật đổ các lãnh đạo bị cho là đã phản bội đức tin Hồi giáo.
Năm 2004, Baghdadi bị bắt giam ở nhà tù Camp Bucca, một nhà tù do Mỹ quản lý ở nam Iraq. Ở trong tù, y trở thành một người truyền đạo và một tài năng bóng đá. Theo al Monitor, y được các tù nhân khác gọi là "Maradonna" nhờ kỹ năng chơi bóng trong giờ nghỉ.
Một tù nhân ở Camp Bucca cho biết Baghdadi ban đầu là một người khiêm tốn, từng bước khẳng định quyền lực với vai trò là "người phân xử" trong tù. Baghdadi thu được lòng tin của cai ngục, khiến họ không thể xác định được liệu y có mối quan hệ với phe nổi dậy chống Mỹ người Sunni hay không.
Trong thời gian 9 tháng ở Camp Bucca, Baghdadi đã thiết lập quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Iraq và những kẻ sau này là lực lượng nòng cốt của IS tại Iraq.
Chỉ một năm sau khi được thả, Baghdadi gia nhập Hội đồng Mujahideen Shura, một liên minh gồm nhiều nhóm nổi dậy, và trở thành một thủ lĩnh phiến quân nổi dậy ở miền trung Iraq.
Trong những năm tháng đen tối của cuộc nội chiến, Baghdadi đã có được vị trí cao trong hàng ngũ quân nổi dậy. Năm 2010, y trở thành thủ lĩnh của nhóm được gọi là "Nhà nước Hồi giáo của Iraq" có liên hệ với al-Qaeda và bị coi là một mối đe dọa với chính phủ Iraq.
Mọi chuyện sẽ dừng lại ở đây nếu như "Mùa xuân Arab" không xảy ra hồi đầu năm 2011, khi hàng loạt cuộc biểu tình lớn nổ ra khắp các nước Arab và lan sang Syria, khiến đất nước này bị chia rẽ sâu sắc.
Khi xung đột nổ ra giữa chính phủ Syria và quân nổi dậy, Baghdadi nhận thấy cơ hội tốt để mở rộng cuộc chiến đang làm rung chuyển Iraq. Giữa năm 2012, y đưa các tay súng jihad đến Syria và từ đó đến giữa năm 2013, một nhóm thủ lĩnh nổi dậy nòng cốt ở Iraq đã dần xây dựng một tổ chức khủng bố hùng mạnh nhất ở Trung Đông, bên cạnh Hezbollah ở Lebanon.
Vào tháng 4/2013, khi các lực lượng của Baghdadi đã sẵn sàng, chúng tuyên bố rằng mục đích của IS là đánh bại nhóm phiến quân Mặt trận al-Nusra thân al-Qaeda. Kể từ đó, Trung Đông dần rơi vào vòng xoáy bạo lực triền miên và việc thực thi các luật lệ Hồi giáo hà khắc.
Tháng 6/2014, vài trăm tay súng dưới quyền của Baghdadi bất ngờ tấn công Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq. Đòn tấn công của nhóm này khiến 5 sư đoàn quân đội Iraq không kịp trở tay, nhanh chóng thất thủ và tháo chạy, để lại vô số vũ khí, đạn dược cũng như lượng tiền mặt khổng lồ trong ngân hàng ở Mosul.
Chiếm được Mosul, Baghdadi nhanh chóng phô trương thanh thế, tuyển mộ tân binh và tuyên bố thành lập IS ở Iraq và Syria, tự xưng là "lãnh tụ" của tổ chức này.
Lợi dụng sự yếu kém của quân đội Iraq, IS chiếm được nhiều khu vực quan trọng khác, trong đó có Tikrit, nơi sinh của Saddam Hussein, và hầu hết khu vực biên giới với Syria. Trước khi Mỹ can thiệp bằng chiến dịch quốc tế, IS từng đe dọa cả thủ đô Baghdad của Iraq.
Tuy nhiên, Baghdadi và IS phải trả giá khi mức độ bạo lực của chúng trở thành nỗi nhức nhối của cả thế giới, thúc đẩy phương Tây phát động chiến dịch tiêu diệt nhóm khủng bố. Nga cũng vào cuộc năm 2015 bằng chiến dịch quân sự ở Syria nhằm hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Dưới áp lực quân sự liên tục của các nước, IS bị đánh bại ở Iraq năm 2017 và mất sào huyệt Raqqa ở Syria năm 2018. Tàn dư của tổ chức khủng bố này lui vào hoạt động bí mật ở biên giới Iraq - Syria, trong khi Baghdadi vẫn là mục tiêu săn lùng ráo riết của Mỹ. Cuộc săn lùng kết thúc vào đêm 26/10, bằng chiến dịch đột kích vào Idlib của đặc nhiệm Mỹ.
Trong suốt quá trình IS hoành hành ở Iraq và lan sang Syria, Baghdadi luôn đóng vai trò là thủ lĩnh tối cao của tổ chức. Giới quan sát cho rằng chưa từng có người nào có thể gây ra nhiều hỗn loạn trong một thời gian ngắn như vậy.
Y bắt đầu "di sản khủng bố" này bằng những bài phát biểu truyền bá tư tưởng cực đoan ở trường đại học và các nhóm nhỏ người ủng hộ trên toàn thế giới. Y từng bày tỏ tiếc thương với trùm khủng bố Osama bin Laden bị quân đội Mỹ tiêu diệt hồi năm 2011 và đã dự đoán cho mình một kết cục tương tự.
Quốc Hưng (Theo Guardian, Euronews)