Trịnh An Thiên, 25 tuổi, ở Hà Nội, là sinh viên ngành Y đa khoa, Học viện Quân y khóa 2015-2022. Với điểm trung bình học tập 8,53, Thiên là thủ khoa đầu ra toàn khóa và được phong hàm Trung úy. Hôm 18/11, chàng trai sinh năm 1997 cũng được xướng tên trong Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
"Danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp là sự ghi nhận nỗ lực của mình trong nhiều năm qua", Thiên nói.

An Thiên trong Lễ xuất quân lên đường vào TP HCM chống dịch, ngày 23/8/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiên được tiếp xúc với quân y từ sớm vì cả bố và mẹ đều công tác trong ngành này. Song, Thiên nói quyết định theo đuổi ngành y của em là vì yêu thích môn Sinh ngay khi mới tiếp xúc, đặc biệt là phần kiến thức về con người.
Vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 với 26 điểm tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), Thiên trúng tuyển ngành Y đa khoa của Học viện Quân y. Thời điểm đó, Thiên chưa nghĩ đến danh hiệu thủ khoa đầu ra, nhưng đã xác định cần chú trọng việc học, bởi để được phong hàm trung úy, học viên cần tốt nghiệp loại khá và thuộc nhóm 70% có điểm cao nhất toàn khóa. "Học y là trường kỳ, nên nếu không xác định mục tiêu từ đầu, đến 1-2 năm cuối mới cố thì không kịp", Thiên nói.
Học trường khối quân đội, Thiên trải qua sáu tháng huấn luyện tân binh trước khi bước vào chương trình học. Đây không phải thử thách lớn, bởi cậu thường xuyên chơi thể thao khi còn học THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Dù vậy, Thiên vẫn "hãi" mỗi khi nhớ lại ngày mùa đông chừng 10 độ C, cả tiểu đội phải tập trung trên đồi để thi môn Chiến thuật. "Đó là lần đầu mình trải nghiệm cái lạnh như vậy", Thiên kể.
Ngoài các hoạt động rèn thể lực và các môn quốc phòng, Thiên cho biết chương trình chuyên ngành không quá khác biệt với các trường y dược. Giải phẫu là lĩnh vực yêu thích của Thiên. Với cậu, đây là môn học "khó nhưng hay", giúp tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về các bộ phận, cách cơ thể con người vận hành.
"Mình thích thể thao nên rất hứng thú khi được biết các cơ, khớp vận động thế nào. Kiến thức giải phẫu còn được mình áp dụng trong các bài tập thể hình, biết động tác này sẽ tác động đến bộ phận nào", Thiên nói.
Trong những buổi lâm sàng đầu tiên, nhiều sinh viên thường ngại khi khám hoặc nhìn thấy những bộ phận nhạy cảm của người bệnh. Thiên cho biết chưa từng có cảm giác này, bởi cậu xác định mình đang học. Đây là cơ hội để sinh viên cọ xát, xem thực tế khác gì với hình vẽ trong sách và mô hình ở phòng thí nghiệm. Cậu cho rằng chỉ khi hiểu rõ mình đang làm gì, người học y mới vượt qua được sự ngại ngùng.

Thiên tư vấn, hướng dẫn chăm sóc F0 tại phường 8, quận Tân Bình, TP HCM, tháng 9/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhưng trải nghiệm giá trị nhất trong bảy năm học y của Thiên là thời gian vào TP HCM chống dịch hồi cuối tháng 8/2021. Thiên cùng hơn 1.000 cán bộ, học viên của Học viện Quân y chi viện TP HCM trong bối cảnh phía Nam ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Bố mẹ Thiên động viên con nhưng không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Còn Thiên "lo nhưng không sợ, vì nếu sợ đã không dám đi". Thiên xác định đây là nhiệm vụ của một học viên quân y, cũng là một công dân.
Tổ của Thiên, gồm ba học viên quân y, được phân công về phường 8, quận Tân Bình với nhiệm vụ chủ yếu là lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn và hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Ngày thứ ba đặt chân đến TP HCM, Thiên nhận được cuộc gọi cấp cứu một bệnh nhân cao tuổi mắc Covid-19. Mang theo bình oxy nặng 10 kg, Thiên cùng đồng đội vội rời trạm trong bộ đồ bảo hộ.
Dù Thiên đã sơ cứu 30 phút tại nhà, sau đó cùng các bác sĩ tại Bệnh viện quận Tân Bình cấp cứu, bệnh nhân vẫn không qua khỏi. "Đã cấp cứu nhanh nhất có thể, nhưng mình hôm đó đã phải chịu thua trước dịch bệnh. Đó là cảm giác bất lực", Thiên nhớ lại.
Anh Tạ Viết Dũng, Trưởng Trạm y tế phường 8, quận Tân Bình, ấn tượng với vóc dáng thư sinh của Thiên trong ngày đầu các học viên Quân y đến TP HCM chi viện. Tuy nhiên sau đó, anh Dũng bất ngờ với thể lực của chàng trai Hà Nội. "Trông Thiên mảnh khảnh mà khoẻ lắm, làm luôn chân tay, không nề hà việc gì cả ngày lẫn đêm" anh Dũng nói.
Trong hai tháng cùng làm việc, anh Dũng đánh giá Thiên nhiệt tình, vững chuyên môn. "Không chỉ riêng nhân viên y tế và cán bộ phường, người dân ở đây rất quý Thiên cũng như cả nhóm", anh Dũng nói.
Thiên nói quãng thời gian này không chỉ giúp cậu tự tin hơn về nghiệp vụ mà kỹ năng giao tiếp, tổ chức và quản lý đều được cải thiện. Cùng với đó, cậu ý thức được vai trò tinh thần của nhân viên y tế đối với người bệnh. "Cùng một vấn đề, có thể trên mạng cũng cung cấp đủ thông tin, nhưng qua lời tư vấn của nhân viên y tế, người bệnh sẽ được trấn an và yên tâm hơn rất nhiều", Thiên nói.

Thiên hoàn thành đường chạy tại VnExpress Marathon Hanoi Midnight, tháng 11/2022. Ảnh: VM
Ngoài chuyên môn, Thiên được đánh giá năng động và đa tài khi tham gia và giành giải nhì thi Olympic tiếng Anh toàn quân 2019 và giải ba Olympic Toán sinh viên toàn quốc 2018. Thiên cũng thường chạy bộ và đã hoàn thành đường chạy full marathon 42 km vào năm 2020. Cậu đánh giá môi trường quân đội đã giúp một nam sinh, vốn không biết sắp xếp kế hoạch cá nhân, trở thành người có kỷ luật, làm việc khoa học hơn.
Để cân bằng giữa việc học và hoạt động ngoại khóa, Thiên xác định mối ưu tiên ở từng thời điểm. Hàng tuần hoặc tháng, cậu sẽ tự đánh giá xem mình đã tuân thủ kế hoạch đặt ra hay chưa. Nếu cảm thấy đang đi chệch hướng, chẳng hạn gần thi nhưng lại dành nhiều thời gian cho sở thích cá nhân, Thiên sẽ sắp xếp lại.
Sau khi tốt nghiệp, Thiên được phân công làm việc tại Viện Mô Phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y. Công việc bận rộn, nhiều khi phải làm ngoài giờ hành chính, nhưng Thiên không cho rằng đây là điều cản trở mình theo nghề.
"Từ khi chọn Y đa khoa, mình đã hiểu và chuẩn bị tinh thần về đặc thù công việc. Được làm những gì mình thích, lại đúng chuyên ngành, mình nghĩ đây là điều lý tưởng nhất", Thiên nói.
Thanh Hằng