Việt Dũng, 23 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của khoa Toán, đồng thời dẫn đầu về điểm học tập của trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022 với điểm trung bình 3,98/4, chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0. Hiện Dũng là giáo viên Toán của trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, và theo học thạc sĩ ở Hà Nội vào mỗi cuối tuần.
"Tôi quyết định về quê không chút đắn đo, vì đã xác định điều này từ khi bước vào trường Sư phạm", Dũng nói.
"Dũng rất xuất sắc", tiến sĩ Lưu Bá Thắng, bộ môn Đại số, khoa Toán - Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận xét. Thầy Thắng cho hay để đạt kết quả này, ngoài khả năng cũng cần có may mắn nhưng Dũng chịu khó, chỉn chu, làm việc nghiêm túc và đam mê. Thầy Thắng biết Dũng từ khi Dũng học lớp 11, trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán của tỉnh Quảng Ninh.
Vào đại học, thầy trò lại đồng hành trong học tập và nghiên cứu. Thấy Dũng thích làm giáo viên, thầy Thắng thường đưa học trò đi làm trợ giảng để đào tạo nghiệp vụ sư phạm thực tế. Thầy Thắng cho biết khoa đề nghị giữ lại làm giảng viên rồi gửi đi đào tạo cao hơn nhưng Dũng có nguyện vọng trở về trường cũ.
Quyết định của Dũng nhận được sự ủng hộ của các thầy cô trường THPT chuyên Hạ Long.
"Dũng là học sinh xuất sắc nhất tới nay của trường chuyên Hạ Long về thành tích học môn Toán", thầy Phạm Văn Ninh, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Toán khóa 2015-2018, nói.
Ước mơ làm thầy giáo dạy Toán của Dũng nhen nhóm từ năm lớp 7. Lực học môn Toán chỉ ở mức bình thường, nhưng khi được một cô giáo gần nhà dìu dắt, Dũng yêu thích môn Toán hơn.
Tình yêu với môn học này của Dũng càng được hun đắp khi em thi đỗ vào trường THPT chuyên Hạ Long và được chọn vào đội tuyển Toán. Tại đây, Dũng giành hai giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia và hàng loạt giải thưởng khác. Được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học, nhưng Dũng chọn Sư phạm.
Vào đại học, Dũng nói mình luôn cố gắng hết sức dù không đặt mục tiêu trở thành thủ khoa. Khi gặp bất cứ kiến thức nào, Dũng tự đặt câu hỏi để đào sâu, mở rộng và phản biện, tìm thêm tài liệu tham khảo cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh để đọc. Vì thế, Dũng nắm bắt nhiều kiến thức khác ngoài giáo trình và trau dồi ngoại ngữ.
Để cân bằng việc học, hoạt động ngoại khoá và làm gia sư, Dũng lập thời gian biểu, chia thời gian học trên giảng đường và tự học ở nhà. Em sắp xếp sao cho mỗi môn học được ôn tập ít nhất một lần mỗi tuần, tránh tình trạng đến gần thi mới học. Học môn nào trên lớp, Dũng về nhà đọc lại và làm luôn bài tập của môn đó.
Từ năm thứ ba, Dũng bắt đầu nghiên cứu khoa học và có bài đăng trên tạp chí quốc tế, giành giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dũng cho hay đó là đề tài lý thuyết biểu diễn số. Ý tưởng trong bài báo được đánh giá "lạ" khi sử dụng định lý Fermat Euler để giải quyết vấn đề số học.
"Định lý Fermat Euler thường không được mọi người để ý vì là định lý nhỏ. Em thử sử dụng xem kết quả thế nào thì bỗng nhiên lại thành công. Thầy hướng dẫn cũng rất bất ngờ", Dũng chia sẻ.
Ban đầu, đề tài được viết bằng tiếng Việt nhưng sau đó Dũng dịch sang tiếng Anh và được một tạp chí quốc tế chấp nhận hồi tháng 10/2021. Một bài báo khác do Dũng và thầy giáo là đồng tác giả cũng được một tạp chí của Hungary đăng tải.
Ngoài ra, Dũng dự các kỳ thi Olympic sinh viên, giải Toán cấp trường và đều giành giải thưởng.
Trở về trường, Dũng được giao dạy môn Toán ở lớp 10, 11 chuyên Lý và tham gia hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi Toán quốc gia của tỉnh Quảng Ninh.
Dù học sư phạm, đã tham gia nhiều kỳ thi, đi làm gia sư, nhưng Dũng cảm thấy lạ lẫm và run khi lần đầu đứng lớp. Năm nay, học sinh lớp 10 học chương trình mới, vì thế trước buổi dạy đầu tiên, Dũng đi dự giờ của thầy cô trong trường để học hỏi và soạn giáo án thật kỹ.
"Kết quả không tệ, học sinh đã ủng hộ tôi bằng cách chăm chú nghe, giơ tay phát biểu và nhiệt tình làm bài tập về nhà", Dũng nhớ lại. Sau hơn một học kỳ, Dũng nhận ra không chỉ học sinh chuyên Toán mà ở nhiều em ở lớp chuyên khác cũng rất có tố chất và học tốt môn này. Vì thế, Dũng càng hào hứng hơn.
Ở đội tuyển ôn thi quốc gia, Dũng dạy hình học. Thầy giáo trẻ nói công việc khó khăn hơn mình tưởng khi sát cánh cùng học sinh trong một khoảng thời gian dài, từ tháng 6 năm ngoái đến cuối tháng 1 năm nay.
"Học sinh mỗi em có sở trường và kiến thức khác nhau, làm sao để tất cả hiểu được rất khó khăn", Dũng nhìn nhận. Cách của thầy giáo trẻ là theo dõi sát sao, chịu khó lắng nghe để kịp thời giải đáp những điều mà các học trò thấy khó hiểu.
Dũng dự định học xong thạc sĩ sẽ tiếp tục phát triển các đề tài nghiên cứu, phấn đấu có thành tích trong giảng dạy.
"Cảm giác đào tạo được những học sinh thực sự yêu Toán và góp ích cho xã hội thật vui sướng", Dũng nói.
Bình Minh