Với tổng điểm 29,5 tổ hợp Văn - Sử - Địa, Phạm Thị Trà Mi là á khoa khối C toàn quốc, đồng thời là thí sinh có điểm ở tổ hợp này cao nhất tỉnh Nghệ An. "Em vui và rất bất ngờ trước kết quả mình đạt được. Tới bây giờ trong em vẫn còn cảm giác lâng lâng", Trà Mi nói.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Mi đã nhận được kết quả trúng tuyển thẳng từ trường một số đại học ở Hà Nội nên quá trình ôn tập không gặp nhiều áp lực. Mi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia môn Địa lý nên quỹ thời gian ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trà My tập trung ở 4 tháng cuối.
Thời gian đầu, nữ sinh ôn tập mỗi môn một ngày. Tới giai đoạn nước rút, em phân bổ thời gian trong ngày để ôn cả ba môn để không bị quên kiến thức. Sẵn có môn Địa lý là thế mạnh nên Mi dành nhiều thời gian hơn cho Lịch sử và Ngữ văn.
Ngoài thời gian học trên lớp hai buổi sáng chiều, mỗi tối Mi dành thêm bốn tiếng tự học để củng cố lại kiến thức và luyện đề của các năm trước. Nữ sinh cũng theo học lớp ôn luyện môn Ngữ Văn ở ngoài để trau dồi khả năng viết.
"Đề Văn năm nay không quá khó, đủ sức để phân hóa học sinh. Em rất thích câu hỏi ở phần Nghị luận văn học", nữ sinh nói. Nữ sinh giải quyết phần đọc hiểu trong 15 phút, nghị luận xã hội trong 20 phút, thời gian còn lại em làm câu nghị luận văn học và xem lại bài. Nữ sinh đã viết 11 trang giấy thi trong 120 phút làm bài.
Ở ba môn tổ hợp Khoa học xã hội là Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, Mi đọc trước toàn bộ câu hỏi rồi làm theo thứ tự từ trên xuống dưới. Những câu khó, nữ sinh đánh dấu lại để suy nghĩ sau, làm thật cẩn thận những câu vừa sức mình. Riêng môn Địa lý, Mi chỉ mất 20 phút để giải quyết toàn bộ đề.
Chị gái là người tấm gương để Trà Mi phấn đấu, vươn lên trong học tập. Suốt quá trình ôn thi, chị gái đã luôn ở bên chỉ dạy, chia sẻ và tâm sự với Mi, giúp em giải tỏa căng thẳng.
Phạm Thị Trà Mi được tuyển thẳng vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhờ đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh. Tiếng Trung là môn học Mi yêu thích chỉ sau Địa lý. Nữ sinh dành nhiều thời gian tìm hiểu ngôn ngữ này thông qua các chương trình ca nhạc, văn hóa, lịch sử Trung Quốc.
"Em muốn học ngành này để thỏa mãn niềm yêu thích của bản thân", Trà Mi giải thích cho lựa chọn ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình đại học ở Việt Nam, Mi dự định sang Trung Quốc du học.
Thu Hương