Bùi Minh Hiếu, 23 tuổi, quê Nam Định, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật robot, khoa Điện tử Viễn thông, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, vào giữa năm ngoái, sớm một kỳ học. Thế nhưng phải đến tháng 1 năm nay, khi các bạn cùng khóa tốt nghiệp, Hiếu mới biết mình là thủ khoa đầu ra với điểm trung bình học tập (GPA) 3,89/4.
"Mình rất vui khi biết tin này nhưng hơi tiếc nuối vì không thể đến trường dự lễ trao bằng hôm 20/1 do bận công việc ở TP HCM", Hiếu nói.
Hiếu là cựu học sinh trường THPT Xuân Trường B, Nam Định. Từ nhỏ, Hiếu đã thích mày mò, chế tạo. Cậu thường xuyên tháo đồ chơi trong nhà ra để chế thành món đồ mới, lại có lần tháo quạt để xem bên trong có gì rồi tự lắp lại mà "không biết tại sao thừa một con ốc". Hiếu sớm định hướng sẽ chọn một ngành kỹ thuật - công nghệ khi vào đại học.
Thời điểm chọn ngành năm 2019, Hiếu phân vân giữa Công nghệ thông tin và Kỹ thuật robot. Xác định Công nghệ thông tin "hot" hơn nhưng khi tìm hiểu, Hiếu thấy công việc không phù hợp nếu chỉ ngồi một chỗ lập trình. Hiếu muốn được học cả phần cứng và phần mềm, muốn được học chế tạo theo đúng sở thích từ nhỏ nên đã chọn Kỹ thuật robot.
Năm đó, ngành Kỹ thuật robot của trường Đại học Công nghệ lấy 24,45 điểm. Hiếu đạt 28,85, là thủ khoa đầu vào của trường.
Trúng tuyển đúng nguyện vọng, Hiếu tự cho bản thân "xõa" trong tháng đầu, sau thời gian dài tập trung ôn thi. Thế nhưng, chương trình ở đại học khiến Hiếu phải mau chóng trở lại guồng quay.
"Nếu như ở THPT, thầy cô giảng kỹ, giao bài tập và chữa bài trên lớp, cho làm đi làm lại các dạng bài thì ở đại học không như vậy. Các thầy cô giảng rất nhanh, có môn học 2-3 chương chỉ trong 2 tiết" Hiếu nói, nhìn nhận phải tập trung trở lại nếu không muốn bị tuột lại phía sau.
Chàng trai Nam Định nhìn nhận để học tốt ở bậc đại học không phải quá khó. Điều quan trọng là sinh viên phải tập trung vào bài giảng trên lớp, ghi chép lại các từ khóa mà thầy cô gợi ý và tự tìm hiểu thêm khi về nhà. Sau những buổi tự học, phần nào không hiểu, Hiếu sẽ hỏi thầy cô, bạn bè, anh chị khóa trước.
Dù vậy, hai năm đầu của Hiếu khá khó khăn khi phải học các môn cơ bản, thuần tính toán, khó tham khảo các nguồn, lại bị gián đoạn việc đến trường do Covid-19. Đến hai năm sau, khi đi sâu vào các môn chuyên ngành, học thực tế nhiều, Hiếu dễ dàng hơn trong việc tìm tòi, mở rộng kiến thức. Hình thức thi ở hai năm cuối chủ yếu là bài tập lớn, làm theo nhóm nên cũng thuận lợi với Hiếu, thay vì thi viết truyền thống.
Cũng ở hai năm cuối, Hiếu tham gia nghiên cứu khoa học, có một đề tài cấp khoa về "Ứng dụng xử lý ảnh cho robot Yumi", là đồng tác giả và tham gia báo cáo tạo hội thảo quốc gia "Điện tử công suất và ứng dụng".
Thấy còn thời gian rảnh, Hiếu đăng ký mỗi kỳ thêm 1-2 môn để hoàn thành chương trình trong khoảng 7 kỳ, sau đó dành kỳ thứ 8 làm đồ án để tốt nghiệp sớm một kỳ so với chương trình chuẩn.
Với Hiếu, thời gian làm đồ án là khó khăn nhất khi phải một mình hoàn thiện một sản phẩm, từ phần cứng đến phần mềm. Đồ án của Hiếu có tên "Thiết kế, chế tạo mô hình cánh tay robot được điều khiển bằng các thuật toán thông minh". Trang thiết bị, chi phí thực hiện hạn chế nên Hiếu phải làm đi làm lại nhiều lần.
"Phần mô hình thiết kế bằng phần mềm in 3D, nếu không kiểm soát tốt sẽ phải in lại từ đâu, rất tốn kém, mất thời gian", Hiếu chia sẻ. Thực tế, Hiếu cũng phải in lại 2-3 lần. Nhưng đổi lại, kết quả gần như kỳ vọng, đạt 9,2/10.
Nhờ thành tích đầu vào tốt, Hiếu giành được học bổng của Quỹ phát triển châu Á, Hàn Quốc (ADF) trị giá 2.000 USD ngay năm đầu đại học. Duy trì được kết quả học tập các năm sau ở mức giỏi (GPA từ 3,2/4), Hiếu tiếp tục được quỹ trao học bổng hàng năm. Nam sinh cũng nhận được học bổng khuyến khích học tập 6 kỳ từ nhà trường.
"Hiếu là thủ khoa cả đầu vào và đầu ra, tốt nghiệp sớm, giành nhiều học bổng. Rất hiếm sinh viên của trường đạt được thành tích như vậy", TS Bùi Trung Ninh, Trưởng phòng Công tác sinh viên trường Đại học Công nghệ, cho biết.
Dù kết quả học tập tốt, Hiếu nuối tiếc khi dồn sức học nhanh, lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ở trường, ngoài thời gian ngắn ở câu lạc bộ về điện tử, robot.
Tốt nghiệp sớm nửa năm, nam sinh dành thời gian học thêm về marketing, kinh doanh online. Hiếu dự định sau Tết sẽ tìm việc làm đúng với ngành học.
"Mình chưa có dự định học lên cao hơn vì muốn nâng cao trình độ từ thực tế doanh nghiệp", Hiếu nói.