Nguyễn Công Vinh dẫn đầu kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm học 2024-2025 với 35,75/40 điểm. Biết tin khi đang ngủ trưa ở ký túc xá trường THPT chuyên Bắc Ninh, nam sinh lớp 12 Lý bất ngờ.
"Em còn đang mơ màng thì thấy mọi người ở phòng khác hét lên. Cảm xúc lúc đó xáo trộn, em vừa sốc, vừa vui", Vinh nói.
Thầy Nguyễn Chí Trung, lãnh đội, cho biết năm ngoái, Vinh đã giành giải nhất quốc gia và huy chương đồng Olympic Vật lý châu Âu (EuPhO) tại Georgia.
Thí sinh thi môn Vật lý vào ngày 25-26/12, mỗi ngày 5 câu hỏi, mỗi câu 4 điểm. Vinh đánh giá đề thi với nội dung kiến thức trải dài từ lớp 10 đến 12, nhưng "dễ thở" hơn năm ngoái. Các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực như cơ cấu chuyển động cơ học, nhiệt độ, điện, quang, phản ứng hạt nhân...
Nam sinh cho biết đề có nhiều câu hỏi thực tế, mang tính ứng dụng nên hứng thú làm bài tốt. Ví dụ ở ngày đầu tiên, em thích câu "tại sao lông bồ câu có nhiều màu sắc". Vinh áp dụng kiến thức về giao thoa ánh sáng học ở lớp 11 để trả lời. Lông bồ câu có nhiều màu sắc vì ánh sáng trắng tới bộ lông và phản xạ đến mắt người. Do hiện tượng giao thoa ánh sáng, sẽ có những màu cường độ lớn hơn những màu còn lại, là những màu mà ta có thể nhìn thấy.
Ngày thi thứ hai, Vinh thích câu đề cập nguyên tắc của máy khử rung tim để tạo ra xung làm cho tim đập trở lại. Bài giới thiệu máy và đưa về mô hình mạch điện RC đơn giản hơn, cùng với một đồ thị cần phân tích. Nhiệm vụ của thí sinh là đọc đồ thị lấy số liệu và xử lý để tìm được giá trị gắn với cơ thể người.
"Câu này cần sử dụng kiến thức về mạch điện để tính toán xung mạnh hay yếu, tránh sốc cho người bệnh", Vinh cho hay.
Nam sinh cho hay chọn làm câu từ dễ đến khó, chú ý đến việc trình bày, còn kịp xem lại bài một lần. Nam sinh cho biết hơi tiếc vì một số chỗ tính toán sai dù hiểu hiện tượng, tính vật lý, song vẫn hài lòng vì đã làm hết sức.
Vinh kể cơ duyên đến với Vật lý bắt đầu từ năm lớp 8, khi em còn là học sinh trường THCS Nguyễn Cao, thị xã Quế Võ. Em vốn học tốt Toán từ nhỏ, được gia đình định hướng theo môn này nhưng được nhà trường chuyển sang lớp định hướng thi học sinh giỏi môn Vật lý.
Ban đầu, Vinh chưa yêu thích vì không đúng nguyện vọng, song nghĩ được thầy cô tin tưởng nên mày mò tìm hiểu về Vật lý nhiều hơn. Em hỏi thầy cô các tài liệu tham khảo, tự học và đọc thêm kiến thức mới, từ đó áp dụng giải thích các hiện tượng trong cuộc sống.
Vinh nhớ có lần nhìn thấy chiếc ôtô được nhấc bổng lên cao để người thợ sửa chữa động cơ bên dưới, em đã thắc mắc họ làm như vậy bằng cách nào. Tuy nhiên khi học Lý, em mới hiểu đó là nhờ nguyên lý Pascal, nói đến áp suất lên một chất lỏng sẽ được truyền nguyên vẹn cho mọi điểm trong chất lỏng. Người ta sẽ dùng kích thủy lực ấn xuống để đầu xi lanh nâng lên, giúp nhấc bổng ôtô.
"Càng học, em càng cảm thấy môn này hay quá và dần đam mê", Vinh chia sẻ.
Năm lớp 9, Vinh giành giải nhì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngay khi đỗ vào chuyên Bắc Ninh, Vinh đã xác định muốn học sâu và nâng cao về Vật lý nên đặt mục tiêu vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.
Nam sinh kể giai đoạn ôn thi phải đầu tư toàn bộ thời gian, sức lực để tiếp thu kiến thức và giải quyết số lượng bài tập lớn. Trên lớp, em chăm chú nghe thầy cô giới thiệu lý thuyết và làm các dạng bài tập được giao. Về nhà, em xem lại và làm lại toàn bộ để hiểu rõ và áp dụng được với những bài khác.
"Mỗi ngày em dành 10-12 tiếng để học Vật lý. Em thường ngủ lúc 23h và thức dậy vào 4h sáng để học tiếp", Vinh kể.
Mỗi lúc mệt mỏi, Vinh thường chạy bộ, chơi cầu lông hoặc chơi game cùng bạn. Sau 2,5 tháng ôn luyện cho kỳ thi, ngay hôm thi xong, Vinh bắt xe buýt về thăm gia đình.
Nam sinh cho biết mục tiêu sắp tới là vào vòng tuyển chọn để đi thi khu vực và quốc tế. Vì thế, sau khi biết kết quả và nghỉ ngơi, em sẽ trở lại guồng học. Vinh cũng dự định thi IELTS để xin học bổng du học châu Âu.
"Em muốn trở thành kỹ sư về trí tuệ nhân tạo và làm việc cho các công ty hàng đầu như Google, Samsung, Microsoft...", Vinh nói.
Bình Minh