Khi nam sinh vừa cất lời, thầy cô và sinh viên trong hội trường ồ lên kinh ngạc rồi vỗ tay hưởng ứng. Nhiều người lấy điện thoại ghi lại khoảnh khắc này.
"Lần đầu bao nhiêu vấn đề đều phải tự mình đối diện. Lần đầu cảm nhận được gánh nặng cơm áo gạo tiền. Lần đầu nhịn ăn sáng để biết tiêu xài tiết kiệm. Đã có những ngày cô đơn, một mình nơi góc trọ, cảm thấy chơi vơi và lạc lõng, lắm lúc muốn khóc thật to...", Lâm hát. Cuối bài hát là những lời cảm ơn của nam sinh với gia đình, thầy cô và bạn bè.
Phạm Huỳnh Như Lâm, 22 tuổi, người Khánh Hòa, là thủ khoa đầu ra được vinh danh trong lễ tốt nghiệp của khoa Quản trị, trường Đại học Kinh tế TP HCM hôm 22/3. Nam sinh đạt điểm trung bình 9,18/10, cùng chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 990/990.

Như Lâm trong lễ tốt nghiệp, ngày 22/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khoảng ba tuần trước, Lâm nhận thông tin sẽ thay mặt hơn 500 tân cử nhân phát biểu. Là chủ nhiệm câu lạc bộ UEH Rap Zone của trường, sáng tác và đi diễn ở một số nơi, Lâm cho rằng âm nhạc sẽ kết nối mọi người dễ dàng hơn.
"Em muốn biến cơ hội quý báu của mình thành kỷ niệm đáng nhớ, một khoảnh khắc đặc biệt kết thúc những năm tháng sinh viên", Lâm nói. Tân thủ khoa cũng hy vọng truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê âm nhạc, thay đổi định kiến về nhạc rap.
Khác với những bài hát từng sáng tác, Lâm ý thức rằng khán giả buổi lễ không quá để ý tới kỹ thuật, mà quan tâm tới từ ngữ, nội dung. Nam sinh cố gắng viết một bài rap thuần Việt với ca từ đơn giản. Với nhiều yêu cầu đặc biệt, Lâm mất 5 ngày để hoàn thành phần lời, nhìn nhận đây là bài hát tâm đắc nhất.
Để tạo bất ngờ, Lâm giấu ý tưởng này với bạn bè và gia đình, tự chuẩn bị hết các khâu, từ điều chỉnh beat, thu âm, dựng, biên tập video.
Đứng trên hội trường, nam sinh có chút lo lắng. Khi nghe tiếng vỗ tay từ thầy cô, phụ huynh và bạn bè, Lâm tự tin hoàn thành bài phát biểu đặc biệt của mình. Gần cuối, nam sinh khựng lại vì xúc động khi nhắc đến gia đình. Lâm nói không dám nhìn đến hàng ghế bố mẹ để giữ bình tĩnh kết thúc phần chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Tô Thục Hân, giảng viên khoa Quản trị, cho biết từ năm 2021 trường Đại học Kinh tế TP HCM giao lễ tốt nghiệp về cho các khoa tự tổ chức. Khoa luôn muốn tạo dấu ấn trong ngày quan trọng với các tân cử nhân, nên khi nghe ý tưởng của Lâm, cô rất ủng hộ.
"Ý tưởng của Lâm quá khác biệt, mình rất thích, nhưng cũng lo lắng những ý kiến trái chiều, sợ ảnh hưởng đến cả buổi lễ quan trọng", cô Thục Hân chia sẻ.
Trước đó, cả Lâm và cô Hân đều lo lắng ý tưởng này sẽ bị bác bỏ. Tuy nhiên, khi trao đổi với thầy Quốc Bảo, phó khoa, cô bất ngờ vì thầy ủng hộ sự phá cách này. Nghe qua bản thu thử, thầy Bảo góp ý nên thêm một đoạn chia sẻ mang tính đại diện chung, vì bài rap vẫn đậm tính cá nhân.

Như Lâm (phải) và á khoa tốt nghiệp chụp với cô Thục Hân sau buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hai năm trước, khi ngồi hát rap vu vơ dưới chân cầu thang ở trường, Lâm được một thành viên của UEH Rap Zone mời tham gia câu lạc bộ. Tự học hát và sáng tác rap từ năm lớp 11 nhưng thời điểm đó Lâm mới dành thời gian học hỏi một cách nghiêm túc. Âm nhạc giúp Lâm tự tin hơn, cảm nhận được mọi thứ xung quanh đa chiều, có nhiều góc nhìn thú vị và kết nối được nhiều bạn bè hơn.
Lâm cho biết ban đầu bố mẹ lo lắng vì có định kiến không tốt về nhạc rap. Khi thấy kết quả học tập được đảm bảo, con vui vẻ, tự tin hơn, gia đình dần yên tâm và ủng hộ.
Chia sẻ về danh hiệu thủ khoa, Như Lâm nói đây là thành quả của sự cố gắng liên tục, cân bằng giữa việc học và làm thêm. Xuất thân là học sinh chuyên Toán, em không gặp nhiều khó khăn với những môn khoa học tự nhiên, nhưng rất chật vật với các môn khoa học xã hội hay chuyên ngành như Quản trị nguồn nhân lực, Đàm phán trong quản trị.
Ngoài ra, Lâm đặt mục tiêu không xin chu cấp từ bố mẹ. Động lực đó giúp em cố gắng học để giành học bổng của trường. Khoản này nam sinh dùng để chi trả học phí.
Ngoài ra, để có tiền sinh hoạt hàng ngày và đỡ đần gia đình, Lâm tìm việc làm thêm từ năm thứ nhất. Đầu năm thứ hai, em đã làm việc tám giờ mỗi ngày ở trung tâm tiếng Anh. Tuy công việc chiếm khá nhiều thời gian, nam sinh nhìn nhận đây là nguồn tư liệu thực tế để ứng dụng những kiến thức đã học. Việc phải sắp xếp thời gian giữa công việc với học hành, thi cử giúp em rèn kỹ năng của một nhà quản trị.
"Suốt bốn năm học và làm thêm mà không nghỉ hè, em dự định nghỉ ngơi một thời gian sau lễ tốt nghiệp, trước khi tiếp tục công việc", Lâm nói.
Nhật Lệ