Đỗ Thị Vân Hà, cựu học sinh lớp chuyên Tiếng Anh, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, nhận tin hôm 2/8, hai ngày sau khi hết hạn đăng ký xét tuyển đại học. SAT và ACT là bài thi đánh giá năng lực được sử dụng phổ biến trong tuyển sinh đầu vào đại học ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Hà đạt 1.590/1.600 SAT ngay trong lần thi đầu tiên hồi đầu tháng 6, tương đương 29,82/30 theo công thức quy đổi của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU). Năm nay, điểm chuẩn ngành này là 28,69. Ngoài ra, nữ sinh còn đạt IELTS 8.5.
Với việc đặt ngành Phân tích kinh doanh (BA) của trường là nguyện vọng 1, Hà chắc chắn trúng tuyển.
Vân Hà cho hay từng trong đội tuyển Toán hồi THCS và được giải khuyến khích cấp tỉnh. Tuy nhiên, Hà thấy mình học Toán không quá giỏi nên tự học tiếng Anh ở nhà, rồi thi vào lớp 10 chuyên Anh.
"Có vẻ em có một chút năng khiếu với ngôn ngữ, vì việc học Tiếng Anh với em rất nhẹ nhàng, không có cảm giác gò ép hay áp lực", Hà kể.
Theo Hà, học sinh chuyên Anh thường thi IELTS để tận dụng lợi thế về ngoại ngữ khi đăng ký xét tuyển đại học trong nước hoặc du học. Hà cũng thi chứng chỉ này vào tháng 8/2023, ngay trước khi năm học cuối cấp bắt đầu.
Nữ sinh không gặp khó với ba kỹ năng Nghe, Đọc và Viết vì đã được luyện tập nhiều trong quá trình ôn thi học sinh giỏi quốc gia. Hà chủ yếu duy trì nhịp độ bằng cách luyện đề, hàng ngày nghe và đọc sách, báo bằng tiếng Anh. Riêng kỹ năng Nói, Hà đăng ký một khóa học ngắn hạn ở trung tâm gần nhà. Em được hướng dẫn về dạng đề, các cách để phát triển một bài nói hoàn chỉnh.
Nhận kết quả 8.5 IELTS, Hà ưng ý, nhưng vẫn còn mông lung về định hướng, chưa biết sẽ học ngành nào. Ban đầu, nữ sinh không định chọn Kinh tế Quốc dân vì "nghe kinh tế quá rộng". Khi đã tìm hiểu kỹ, Hà thấy trường "có nhiều ngành chất lượng, liên quan Toán học chứ không chỉ thuần lý thuyết kinh tế", trong đó có Phân tích kinh doanh.
"Em thấy đây là ngành triển vọng, thiên về phân tích, tư duy. Chưa kể, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên cũng giúp em sử dụng ngôn ngữ này thường xuyên", Hà lý giải.
NEU chỉ xét tuyển kết hợp IELTS với điểm thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy. Hà không dự kỳ thi riêng nào, cũng không tự tin đạt trên 8,5 điểm một môn thi tốt nghiệp. Vì vậy, tới giữa tháng 5, nữ sinh quyết định thi SAT để đăng ký xét tuyển độc lập bằng chứng chỉ này.
Chỉ có hai tuần ôn tập, Hà cùng bạn đăng ký một khóa học online ngắn hạn. Nữ sinh đánh giá phần Toán của SAT không quá khó, nên chú trọng yếu tố cẩn thận khi làm bài. Trong khi đó, đọc hiểu là thử thách với Hà khi gặp nhiều từ vựng khó, phức tạp. Hà đánh dấu lại những câu chưa ổn, hay làm sai để luyện tập nhiều hơn, đọc tài liệu nước ngoài.
Thời gian học hiệu quả của Hà là buổi tối, vì yên tĩnh và dễ tập trung. Ngoài tự học, mấy ngày gần thi, nữ sinh học chung với bạn để cùng sửa và chữa lỗi cho nhau. Biết mình học SAT muộn, Hà chỉ đặt mục tiêu đạt khoảng 1.500 điểm, ngưỡng mà nữ sinh đánh giá là đủ an toàn vì điểm chuẩn năm ngoái của ngành Phân tích Kinh doanh khoảng 1.450 (đã quy đổi từ thang 30).
Nhận kết quả 1.590 (Toán 800/800, Đọc hiểu 790) vào giữa tháng 6, Vân Hà bất ngờ.
"Khi thi xong, em khá hài lòng và nghĩ mình đạt điểm tốt, nhưng 1.590 đúng là ngoài mong đợi", Hà nói.
Cô Phạm Thị Diệu Thu, giáo viên dạy Tiếng Anh và chủ nhiệm Vân Hà từ năm lớp 10, nhận xét học trò có năng khiếu học ngôn ngữ với khả năng ghi nhớ, phát triển và mở rộng thông tin. Cùng đó, Hà chăm chỉ, học đều cả bốn kỹ năng. Nhờ vậy, nữ sinh từng đạt giải ba quốc gia môn Tiếng Anh.
Khi biết Hà ôn và thi SAT trong thời gian ngắn, cô Thu cũng dự đoán học trò có thể đạt từ 1.500 trở lên. Theo cô, ngoài ngoại ngữ, Hà còn hiểu biết về nhiều lĩnh vực, học tốt các môn tự nhiên nên sẽ không quá khó khăn.
Hà thấy mình may mắn, vì quyết định mọi thứ khá muộn, thời gian ôn luyện gấp gáp nhưng kết quả đạt được ưng ý. Nữ sinh cho rằng khi ngày càng nhiều bạn có IELTS, học sinh chuyên Anh có thể tận dụng lợi thế ngôn ngữ để thi SAT. Lý do là điểm chuẩn đại học theo chứng chỉ này cũng "chưa quá cao".
Hà hiện duy trì học và tạo môi trường sử dụng tiếng Anh cho mình. Nữ sinh có thói quen tra cứu tài liệu bằng tiếng Anh, xem các bài bình luận về lịch sử, xã hội, đôi lúc tự nói chuyện, trả lời một mình.
"Em không bắt mình phải dành một thời gian cố định để học tiếng Anh. Những việc này giờ như hoạt động giải trí, trở thành một phần cuộc sống của em nên không phải đặt mục tiêu", Hà nói.
Vào đại học, Hà định tìm việc làm thêm liên quan tới ngoại ngữ để có thêm thu nhập và kỹ năng tiếng Anh "không bị mai một". Nữ sinh chưa nghĩ xa hơn song cho biết cân nhắc du học nếu có cơ hội.
Thanh Hằng