Sáng 25/3, trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 trước Quốc hội, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí cho biết số vụ án hình sự đã khởi tố tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng internet tăng. Tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất, số vụ án có tính chất, quy mô lớn được phát hiện ngày càng nhiều.
"Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tuy giảm nhưng có nhiều vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn và nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Giang Huy
Nhiệm kỳ vừa qua, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố 375.884 vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết 1,7 triệu vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động; 33.011 vụ án hành chính.
VKS các cấp đã không phê chuẩn hàng nghìn lệnh, quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của cơ quan điều tra; hủy bỏ gần 3.000 quyết định tạm giữ và yêu cầu cơ quan điều tra bắt tạm giam hơn 300 bị can.
"Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Nhiệm kỳ vừa qua, số vụ án được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước. VKSND Tối cao đã tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế; phối hợp với các cơ quan tố tụng tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Kết quả tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm giảm mạnh nhưng vẫn còn trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan và trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng. Một trong những nguyên nhân là do số vụ việc, vụ án tăng nhiều, trong khi các đơn vị đều cắt giảm biên chế; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu.
Thẩm tra báo cáo nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản được thực hiện đúng pháp luật. VKSND các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kéo giảm tỷ lệ oan, sai trong giai đoạn điều tra. Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải quyết án tham nhũng đạt cao; tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng "vẫn còn các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND". Trong các vụ án hình sự vẫn xảy ra một số trường hợp bị truy tố oan, truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến việc VKSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị của VKSND cấp dưới.