Thứ sáu, 3/1/2025
Chủ nhật, 29/12/2024, 09:37 (GMT+7)

Thu hoạch chuối bằng hệ thống cáp treo dài hơn 100 km

Long AnTrang trại chuối của ông Võ Quan Huy, 69 tuổi, trải dài khắp 5 tỉnh thành được đầu tư hệ thống cáp treo hơn 100 km, tổng chi phí hơn 20 tỷ đồng.

Trang trại chuối kiểu mẫu đầu tiên tọa lạc tại xã vùng biên Mỹ Bình, Đức Huệ (Long An) với diện tích lớn nhất, hơn 200 ha, của ông Huy (còn gọi là Út Huy).

10 năm trước, ông bắt đầu trồng chuối già giống Nam Mỹ tại Đức Huệ, Long An, với diện tích trên 100 ha. Sau đó, trang trại dần được mở rộng sang Tây Ninh, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Sáng sớm, sau khi nấu cơm cho hai con ăn đi học, chị Nguyễn Thị Hoàng, 37 tuổi, mang thang đến các lô chuối làm công việc xoa nụ. Phần hoa thừa ở chóp trái được ngắt bỏ, nải chuối cũng được che lại để tránh rám nắng. Sau 3 tuần từ khi trổ bông, bắp được bẻ bỏ đi để trái đạt chất lượng, một buồng cũng chỉ để lại 10 nải. Cây chuối từ lúc trồng bình quân hơn 5 tháng trổ bông, ba tháng rưỡi thu hoạch.

Tám năm trước, chị Hoàng là dân Việt kiều biển hồ Tonle Sap ở Campuchia, mưu sinh bằng nghề đánh cá. Sau khi về Tây Ninh ở khoảng một năm không có công việc, chị cùng chồng đến trang trại chuối làm việc đến nay.

"Mỗi buồng chuối được trả công 2.500 đồng, một ngày tôi kiếm được hơn 200.000 đồng, cùng với lương của chồng hơn 300.000 đồng cũng đủ trang trải cho hai con ăn học", chị Hoàng nói.

Trước khi có cáp treo, mỗi đợt thu hoạch trang trại cần hàng chục công nhân khuân vác, sau đó dùng xe công nông chở chuối về xưởng sơ chế. Mùa mưa đường sá sình lầy khiến việc di chuyển khó khăn, tốn nhiều nhân công lẫn thời gian thu hoạch, chuối cũng bị trầy xướt vỏ khá nhiều. Từ khi có hệ thống cáp, trang trại tiết kiệm được khoảng 50% nhân công lẫn thời gian thu hoạch, theo chủ vườn.

Anh Thạch Thái Đoàn, 39 tuổi, làm việc tại trang trại chuối đã hơn 3 năm nay. Mỗi ngày anh sẽ cùng nhóm công nhân nam làm công việc đốn, vác chuối khoảng 30 m đến hệ thống cáp treo.

"Lúc mới vác do chuối nặng, đường trơn hay bị trơn trượt chân", anh Đoàn kể.

Bình quân một buồng chuối được trả 4.500 đồng, mỗi ngày anh Đoàn vác được hơn 80 buồng chuối, thu nhập khoảng 300.000 đồng. Để chuối không bị dập, công nhân dùng tấm mút xốp lót lên vai. Các buồng chuối được bao túi nylon hạn chế sâu bệnh, giúp trái đẹp.

Khi công nhân vác các buồng chuối đến cáp treo, Nguyễn Minh Nhật, 24 tuổi (quê Tây Ninh) cố định phần cùi buồng vào hệ thống ròng rọc. Đây là công việc đòi hỏi tốc độ, chỉ dành cho người đã quen việc từ một tháng trở lên. Một buồng chuối phải được móc vào cáp trong khoảng vài giây để hệ thống không bị ùn ứ.

"Mỗi buồng chuối nặng 40-50 kg, nếu tôi làm chậm sẽ ảnh hưởng dây chuyền", Nhật (bên phải) nói và cho biết anh mới làm việc tại trang trại khoảng 3 tháng nay. Vợ cùng mẹ anh cũng làm việc ở đây.

Hệ thống cáp chạy dọc theo các lô chuối thu hoạch dần, đến khi đủ 50 buồng sẽ về xưởng sơ chế. Theo thiết kế đầu máy chạy xăng có thể tự động kéo các buồng chuối về xưởng. Tuy nhiên, do lo ngại các cành cây dọc đường có thể vướng vào ròng rọc nên một công nhân ngồi sau đầu máy để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru. Chỉ riêng tại trang trại ở Long An hệ thống cáp dài trên 30 km, chi phí 6 tỷ đồng.

Sau khoảng 40 phút, chuối từ vườn theo cáp treo về đến xưởng sơ chế. Các công nhân kiểm tra chất lượng, phân loại chuối.

trang trại chuối
 
 

Hệ thống ròng rọc giúp vận chuyển chuối vào xưởng sơ chế. Video: Hoàng Nam

Cáp treo đưa các buồng chuối đến khu vực sơ chế đầu tiên. Công nhân sẽ dùng dao chuyên dụng tách các nải chuối ra khỏi buồng, dùng vòi xịt nước áp lực cao rửa sạch bụi bẩn. Chuối được ngâm vào bể nước sát khuẩn làm sạch mủ.

Bà Phan Thị Mè, 60 tuổi, tiến hành phân loại, dùng vòi nước rửa chuối trước khi đưa lên băng chuyền để hong khô bằng quạt. Công nhân ở khâu tiếp theo sẽ dán nhãn, đóng gói chuối cho vào kho lạnh chờ xuất đi.

Với hơn 700 ha chuối nằm ở nhiều tỉnh, mỗi ngày ông Út Huy phải di chuyển giữa các trang trại để xử lý công việc ở xưởng. Mỗi năm, 5 trang trại chuối ước đạt sản lượng hơn 35.000 tấn, chủ yếu xuất đi Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tại Long An, trang trại chuối có hơn 200 công nhân. Mỗi ngày các công nhân được chia theo nhóm, xử lý khoảng hơn 20 đầu việc từ tưới nước, bón phân, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, đóng gói chuối. Nơi này có 70 phòng trọ miễn phí, chia làm 3 khu dành cho công nhân lưu trú. Trong ảnh là bà Thị Đục, 54 tuổi quê Kiên Giang giữ cháu tại khu trọ cho các con làm việc.

Bà Đục cùng chồng và hai con đến trại chuối làm việc gần 10 năm trước. Các con bà sau đó cũng dựng vợ gả chồng, con cái họ tiếp tục ở trọ tại đây đi học, trở thành gia đình 3 thế hệ gắn bó với trang trại. Mấy năm gần đây, bà nghỉ việc tại xưởng ở nhà nấu cơm, chăm sóc 6 đứa cháu.

Hoàng Nam