"Tôi nghĩ ý tưởng cô lập lâu dài hoặc không bao giờ nối lại hợp tác kinh tế với Nga là lố bịch và nguy hiểm... Kịch bản Nga hướng về Trung Quốc và cắt mọi quan hệ với châu Âu còn nguy hiểm hơn nhiều", Michael Kretschmer, thủ hiến bang Saxony, miền đông Đức, nói với tờ Die Zeit cuối tuần trước.
Kretschmer lo ngại về ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Nga lên kinh tế và an ninh Đức. Ông kêu gọi Berlin cần "thực tế" hơn trong quan hệ với Moskva và châu Âu nên thúc đẩy đàm phán hòa bình, "đóng băng" xung đột ở Ukraine.
"Lệnh ngừng bắn không chỉ giúp ngừng chết chóc, mà còn tạo cơ hội để cung ứng các nguyên liệu thô, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch và lúa mỳ", Thủ hiến bang Saxony nói.
Đức là quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng Nga. Khí đốt giúp tạo ra điện và sưởi ấm cho gần nửa số hộ gia đình và đáp ứng 1/3 nhu cầu năng lượng cho ngành công nghiệp Đức. Trước khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2, Nga là bên đáp ứng tới nửa nguồn cung khí đốt cho Đức, nhưng lưu lượng gần đây đã giảm đáng kể.
Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, hiện chỉ hoạt động với 20% công suất sau khi tập đoàn khí đốt Nga Gazprom thông báo ngừng thêm một tuabin tại trạm nén khí Portovaya. Đường ống này trước đó vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Theo Kretschmer, bất chấp các kế hoạch chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng và những tính toán chính trị, Đức vẫn sẽ cần nguồn cung khí đốt từ Nga trong ít nhất 5 năm tới.
"Sự thật cay đắng là chúng ta chưa thể từ bỏ khí đốt Nga, và chúng ta phải hành động theo thực tế đó", Kretschmer cho biết thêm.
Ngoài các hộ gia đình nguy cơ không thể sưởi ấm trong mùa đông, ngành công nghiệp Đức cũng lâm vào tình thế thế hiểm nghèo nếu mất nguồn cung khí đốt Nga. "Toàn bộ hệ thống kinh tế của chúng ta có thể sụp đổ. Nếu không hành động cẩn trọng, Đức có thể trở thành nước phi công nghiệp hóa", ông cảnh báo.
Thủ hiến Kretschmer hồi tháng trước cho rằng Đức cần đảm bảo có nguồn cung năng lượng đáng tin cậy trước khi áp lệnh trừng phạt Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner ngày 31/7 cảnh báo cuộc khủng hoảng khí đốt tại Đức có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện. Bất chấp sự phản đối từ đảng Xanh trong liên minh cầm quyền, ông đang nỗ lực trì hoãn quá trình loại bỏ năng lượng hạt nhân.
Đức năm ngoái dừng hoạt động ba nhà máy điện hạt nhân và dự kiến dừng tiếp ba nhà máy nữa vào cuối năm nay. Trong quý I, năng lượng hạt nhân và khí đốt giúp tạo ra lần lượt 6% và 13% tổng điện năng của Đức. Berlin trước đó đã "bật đèn xanh" cho 10 nhà máy điện than hoạt động trở lại. 11 nhà máy điện than khác sẽ tiếp tục vận hành thay vì đóng cửa vào tháng 11 như kế hoạch.
Như Tâm (Theo RT, DW)