Theo kết luận điều tra ra ngày 1/2 của Công an tỉnh Thái Bình, cuối năm 2017, Đường "Nhuệ" được một người bạn nhờ giúp mở cơ sở làm dịch vụ tang lễ, hoả táng. Khi cùng bạn sang gặp ông Trần Đình Giao (chủ đài hoá thân Thanh Bình ở Nam Định), Đường được mời tham gia vào đơn vị đối tác là Công ty Thành Phát - đơn vị độc quyền dịch vụ hoả táng ở Thái Bình.
Lúc này, Đường mới biết đến dịch vụ hoả táng nên nảy sinh ý định chiếm thế độc quyền của Thành Phát. Cùng thời gian này, các cơ sở làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn Thái Bình tập hợp lại với ý định lập hiệp hội tang lễ. Các thành viên trong hội tự chia địa bàn, đề ra quy chế hoạt động trên tinh thần tự nguyện.
Đường "Nhuệ" thấy vậy liền tự xưng "Chủ tịch hiệp hội tang lễ Thái Bình" mà không được các thành viên bầu ra. Đường "Nhuệ" sau đó chỉ đạo đàn em Nguyễn Khắc Nin tổ chức cuộc họp ra mắt "Hiệp hội tang lễ Thái Bình", đề nghị các cơ sở làm dịch vụ phải ra nhập hiệp hội và nộp 500.000 đồng một ca hoả táng.
Để các cơ sở tang lễ trên địa bàn "quy phục", Đường "Nhuệ" chỉ đạo đàn em dùng danh nghĩa Công ty Đường Dương (công ty do vợ chồng Đường làm chủ) để xây dựng quy chế hoạt động của Hiệp hội tang lễ Thái Bình và hợp đồng nguyên tắc.
Cuối năm 2017, Đường tổ chức cuộc họp với các cơ sở tang lễ, gọi nhiều đàn em giang hồ đến để thị uy. Tại cuộc họp này, Đường bắt các chủ cơ sở phải ký bản hợp đồng nguyên tắc về việc nộp 500.000 đồng một ca hoả táng với công ty Đường Dương. Có người phản đối, Đường chửi bới, đe doạ.
Theo cơ quan điều tra, Đường đã uy hiếp tinh thần khiến ít nhất 19 người sợ hãi, buộc phải nghe theo.
Để tự do hoạt động hơn, Đường cùng đàn em đến đe doạ, chửi bới khiến công ty Thành Phát phải đóng cửa văn phòng đại diện ở Thái Bình. Từ đó Đường "Nhuệ" dùng danh nghĩa Công ty Đường Dương để độc quyền tiếp nhận ca hoả táng từ các cơ sở ở Thái Bình sau đó chuyển qua đài hoá thân Thanh Bình. Đường giao cho Lợi trực tiếp nhận báo ca và thu tiền.
Đường "Nhuệ" và Lợi quy định cơ sở nào làm sai sẽ bị cắt bớt địa bàn hoặc vi phạm lần 2 sẽ bị buộc dừng hoạt động. Tiền nộp vào mùng 5 và 20 âm lịch hàng tháng. Các tổ trưởng đứng ra thu tiền được Đường bớt một ca tương ứng với 500.000 đồng để bù vào chi phí đi lại, điện thoại.
Khi muốn tham gia hiệp hội tang lễ Thái Bình hoặc muốn xin thêm địa bàn hoạt động, các cơ sở đều phải xin phép Đường hoặc Lợi. Nếu biết cơ sở nào vi phạm quy định như làm sai địa bàn, trốn báo ca, Đường cùng đàn em sẽ chặn xe tang, cắt địa bàn...
Nhiều chủ cơ sở dịch vụ tang lễ không đồng tình song sợ Đường đe doạ và yêu cầu chấm dứt hoạt động đã không dám lên tiếng. Các chủ cơ sở và người dân đã thoả thuận giá cả tang lễ trên cơ sở tự nguyện, có hợp đồng. Số tiền 500.000 một ca nộp cho Đường, các cơ sở phải trích ra từ doanh thu nên họ được xác định là bị hại trong vụ án, kết luận điều tra nêu.
Theo nhà chức trách, tính từ lần đầu thu tiền ngày 16/12/2017 đến ngày 5/4/2020, Đường "Nhuệ" đã chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng của 25 bị hại. Trong số này, Công ty Vĩnh Hằng bị chiếm đoạt nhiều nhất, 645 triệu đồng; dịch vụ tang lễ Đức Linh bị chiếm đoạt 392 triệu đồng; các cơ sở tang lễ còn lại bị chiếm đoạt từ 12 đến 107 triệu đồng.
Theo kết luận, Đường "Nhuệ" và đồng bọn tuy không có hành vi khách quan đe doạ dùng vũ lực nhưng đã dùng "thủ đoạn khác" để uy hiếp tinh thần chủ các cơ sở tang lễ Thái Bình nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.
Bị can Lợi biết rõ mục đích cưỡng đoạt tài sản trong hoạt động tang lễ của Đường nhưng vẫn bàn bạc và tham gia giúp sức. Lợi giúp Đường tổ chức cuộc họp, nhận báo ca hoả táng, thu tiền của các cơ sở tang lễ, chặn xe tang lễ, gây cản trở tang lễ để buộc cơ sở dịch vụ phải vào hiệp hội để nộp "phế". Lợi đã giúp Đường nhận 3875 ca hoả táng với gần 2 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Dương, vợ Đường, đã lấy danh nghĩa Giám đốc công ty Đường Dương để ký vào hợp đồng nguyên tắc, quy chế động. Các bản hợp đồng này không có giá trị pháp lý nhưng đã giúp việc cưỡng đoạt tài sản của Đường được thuận lợi.
Trong quá trình điều tra, Dương đã thay đổi lời khai và cho rằng bị cơ quan điều tra dụ cung. Dương khai không biết việc làm của Đường và luôn khuyên chồng không được sử dụng các văn bản do mình ký vào những việc vi phạm pháp luật.
Về những hành vi như trên, Đường "Nhuệ", Lợi, Dương cùng Ninh, Phạm Văn Úy, và Quách Việt Cường, 47 tuổi bị Công an tỉnh Thái Bình đề nghị truy tố về tội Cưỡng đoạt tài sản, theo điều 170 Bộ luật hình sự.
Đường "Nhuệ" đang bị cáo buộc trong ba vụ án và đã phải hầu toà ở hai vụ với tổng mức hình phạt 6 năm tù. Dương cũng bị điều tra trong ba vụ án và bị xét xử trong hai vụ, án 4 năm 6 tháng tù.