Từng là một trong những chính trị gia quyền thế nhất Trung Quốc, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang như chiếc ô bảo hộ vững chắc cho con trai, con dâu, anh em, thông gia giành được những hợp đồng và cơ hội làm ăn béo bở, từ đó gây dựng nên đế chế kinh doanh trị giá hàng tỷ USD.
Theo Reuters, đế chế của gia tộc họ Chu có trị giá khoảng 90 tỷ nhân dân tệ (14,5 tỷ USD). Chỉ riêng con trai, con dâu và bà thông gia của Chu Vĩnh Khang đã là chủ hoặc tham gia cổ phần vào 37 công ty, với đa số trong đó liên quan đến lĩnh vực dầu khí. Chu từng có thời gian dài lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC).
Con nối nghiệp cha
"Không đẹp trai, nhưng cũng không xấu, có đôi mắt rất giống bố", Caixin dẫn lời một nhà đầu tư người Bắc Kinh miêu tả về Chu Bân, con trai cả của Chu Vĩnh Khang. "Chu Bân là người thâm trầm, ít nói, không có vẻ thích thể hiện của con ông cháu cha".
Chu Bân sinh năm 1972, là con cả của Chu Vĩnh Khang với người vợ đầu, bà Vương Thục Hoa. Năm 1989, Chu Bân theo nghiệp cha, thi vào Đại học Dầu khí Tây Nam, theo học ngành tiếng Anh. Đây cũng là trường cũ của Lý Hoa Lâm, Vương Đạo Phú, Nhiễm Tân Quyền, ba cựu phó tổng giám đốc của CNPC. Ba người là thuộc hạ thân tín của Tưởng Khiết Mẫn, bàn tay kéo dài của Chu Vĩnh Khang trong ngành dầu khí.
Năm 1993, Chu Bân sang bang Texas, Mỹ, học cao học chuyên ngành dầu khí. Tại đây, Chu yêu và lấy Hoàng Uyển, cháu nội nhà địa chất danh tiếng Trung Quốc Hoàng Cập Thanh. Bố mẹ vợ của Chu là Hoàng Du Sinh và Chiêm Mẫn Lợi.
"Từ hồi du học, Chu Bân đã bắt đầu tập làm ăn, thông qua quan hệ bán thiết bị dầu khí của doanh nghiệp nước ngoài cho các công ty trong nước", một người bạn học của Chu cho biết.
Năm 2001, vợ chồng Chu Bân chuyển về sống tại Bắc Kinh. Chu Vĩnh Khang khi đó đang là bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, một trong những tỉnh đông dân nhất Trung Quốc.
Ba năm sau, Chu Bân lấy danh nghĩa của mẹ vợ đầu tư 4 triệu nhân dân tệ (670 nghìn USD) thành lập Công ty kỹ thuật dầu khí, khí đốt Trung Húc, rồi tăng dần vốn điều lệ lên 20 triệu nhân dân tệ (3,3 triệu USD).
Thủ đoạn trục lợi chính của Chu Bân là thông qua quan hệ của bố, giành được các hợp đồng hoặc quyền khai thác dầu với giá thấp, rồi bán chuyển tay cho doanh nghiệp tư nhân khác với giá cao.
Ngay sau khi thành lập, Trung Húc giành được hợp đồng số hóa hệ thống quản lý của 8000 trạm xăng thuộc hơn 10 công ty con của CNPC, cùng rất nhiều dự án phân phối khác của tập đoàn này.
Theo số liệu của Cục Công thương Bắc Kinh, doanh thu của Trung Húc rất ổn định, đều vượt mức 20 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2009-2011. Cũng trong thời gian này, Chiêm Mẫn Lợi chuyển lại toàn bộ cổ phần công ty sang tên con rể. Năm 2012, Hoàng Uyển đứng tên làm chủ công ty.
Tuy nhiên, bà Chiêm cho biết bản thân không biết gì về các tài sản đứng tên mình. "Tôi chưa từng thấy những mỏ dầu đó, cũng không biết việc rửa tiền là sao", New York Times dẫn lời bà cho biết. "Tài sản đứng tên bố hoặc mẹ là cách làm thông thường tại Trung Quốc".
Gia đình Chiêm Mẫn Lợi đã di cư sang Mỹ từ hơn 30 trước. Bà hiện sống tại một căn biệt thự trị giá hơn 700 nghìn USD tại bang Nam California, Mỹ. Chồng và con gái bà hiện bị bắt giữ để phục vụ công việc điều tra vụ Chu Vĩnh Khang.
Phi vụ làm ăn lớn nhất của Chu Bân là việc thông qua mối quan hệ với Tưởng Khiết Mẫn, giành được quyền khai thác hai lô dầu thuộc mỏ dầu Trường Khánh, với giá chỉ hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,7 triệu USD). Sau đó, Chu thông qua bạn học là Mễ Hiểu Đông, bán lại quyền trên cho một công ty năng lượng tư nhân với giá 550 triệu nhân dân tệ (92 triệu USD).
"Việc này do đích thân Tổng giám đốc Tưởng Khiết Mẫn chỉ thị, các phó tổng giám đốc phụ trách đều ký tên phê duyệt thông qua", một cán bộ CNPC nhớ lại.
Vụ làm ăn trên diễn ra vào năm 2007. Năm đó, Chu Vĩnh Khang được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị, giữ chức bí thư Ủy ban Chính pháp, quản lý toàn bộ hệ thống an ninh, công an, tòa án, kiểm sát của Trung Quốc.
"Việc buôn đi bán lại các mỏ dầu đều phải xem gia thế mạnh đến đâu. Trong ngành này còn ai mạnh được hơn Chu Bân. Chúng tôi cũng đành chịu thua", một doanh nhân từng tham gia cạnh tranh với Chu cho biết.
Náo động thương trường Tứ Xuyên
Khi còn ở Tứ Xuyên, Chu Vĩnh Khang từng cấm con trai đầu tư vào tỉnh này. Nhưng sau khi Chu chuyển lên trung ương nhậm chức bộ trưởng Công an vào năm 2002, vợ chồng Chu Bân, Hoàng Uyển lập tức triển khai hoạt động kinh doanh tại đây.
Tháng 4/2002, Hoàng Uyển và 4 đối tác khác thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Siêu Việt. Công ty này ngay lập tức ký kết thỏa thuận khai thác khu du lịch núi Cửu Đỉnh với chính quyền huyện Mậu, Tứ Xuyên, với khai thác độc quyền trong thời gian 50 năm.
Sau khi thuê một công ty thiết kế của Mỹ lên dự án và quay video quảng cáo, Hoàng liên hệ với Tập đoàn Hán Long của Lưu Hán, đề nghị bán lại. Lưu Hán khi đó là một trong những người giàu nhất Tứ Xuyên. Sau khi xác nhận thân thế của Hoàng Uyển, Lưu quyết định mua lại với giá 20 triệu nhân dân tệ (3,3 triệu USD).
"Khi đó, một số lãnh đạo công ty cho rằng khu du lịch đó vị trí không đẹp, nhưng Lưu Hán nói cứ mua, chỉ cần giá cả không quá đáng là được", một quản lý của Tập đoàn Hán Long cho hay. "Lưu chịu lỗ là để giữ quan hệ với Chu Bân". Sau này, Chu giúp Lưu giành quyền hòa vốn với Công ty điện lực Hưng Đỉnh của tỉnh Tứ Xuyên.
Mạng lưới kinh doanh của Chu Bân tại Tứ Xuyên còn vươn sang lĩnh vực thủy điện. Năm 2006, Chu Bân thông qua người đại diện là Ngô Binh, thành lập hai công ty thủy điện và một loạt công ty chân rết khác. Hệ thống công ty này nhận thầu hai công trình là trạm thủy điện sông Đại Độ và trạm thủy điện Cách Thập Tra, với tổng vốn đầu tư lần lượt là 5,3 tỷ nhân dân tệ (883 triệu USD) và 3,2 tỷ nhân dân tệ (530 triệu USD).
"Các dự án dọc sông Đại Độ vốn do Tập đoàn Điện lực Quốc gia nắm giữ, nên việc các công ty của Chu Bân giành được quyền đầu tư khiến cả thương trường Tứ Xuyên lác mắt", một doanh nhân ngành điện lực địa phương cho biết. "Những thương vụ thế này còn cần sự đồng ý của Bộ Đất đai và Tài nguyên".
Trước khi đến Tứ Xuyến, Chu Vĩnh Khang từng là bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đất đai và Tài nguyên.
Cả họ được nhờ
Sau khi người vợ đầu qua đời trong một vụ tai nạn, năm 2001, Chu Vĩnh Khang lấy Giả Hiểu Diệp, biên tập viên của Đài truyền hình Trung ương (CCTV). Với sự bảo trợ của Chu, em gái Giả là Giả Hiểu Hà cũng vào làm trong ngành dầu khí.
Năm 2003, Giả Hiểu Hà là người phát ngôn của CNPC tại Ecuador. Sau này, Giả được thăng làm tổng giám đốc CNPC chi nhánh Canada, ủy viên Thương hội Trung Quốc tại Canada, dưới tên Margaret Jia.
Hai người em của Chu Vĩnh Khang là Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh đều sống tại quê nhà Vô Tích. Kể từ khi anh trưởng làm quan lớn, nhà họ Chu cũng càng ngày càng giàu.
Theo lời kể của người dân địa phương, bố con Chu Nguyên Hưng chuyên nhận tiền để chạy án. "Nghe nói có trường hợp bí thư đảng ủy một thị trấn gần đó bị điều tra, người nhà đến cầu cạnh Chu Nguyên Hưng. Chu rao giá 150 nghìn nhân dân tệ (25 nghìn USD), nhưng không hứa trước gì", người này nói.
Một người dân khác cho hay, Chu Nguyên Hừng từng khoe khoang rằng chỉ cần đi một vòng là kiếm được chắc 400 ngàn nhân dân tệ (67 nghìn USD), nhấc điện thoại là liên lạc được với lãnh đạo cấp tỉnh.
Tuy nhiên, gia đình người em Chu Nguyên Thanh mới thực sự là những người kiếm được lợi lớn từ thanh thế của Chu Vĩnh Khang. Em dâu là Chu Linh Anh, thông qua mạng lưới quan hệ của anh chồng, tham gia kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, như khai thác khoáng sản, buôn bán thiết bị dầu khí, bất động sản. "Chu Linh Anh rất giỏi, làm ăn lớn, nghe đâu sở hữu tới hơn 3000 trạm xăng trên cả nước", một đối tác làm ăn của nữ thương nhân này cho biết.
Năm 2007, Chu Linh Anh và con trai là Chu Phong bỏ vốn 50 triệu nhân dân tệ (8,3 triệu USD) thành lập Công ty đầu tư Hoằng Hán, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, quản lý đầu tư và phát triển công nghệ, nắm quyền kiểm soát 20 công ty con.
Cũng trong năm đó, công ty của nhà họ Chu phối hợp với Cục quản lý dầu khí Tứ Xuyên thành lập công ty khai thác khoáng sản Hồng Phong, với vốn điều lệ lên đến 300 triệu nhân dân tệ (50 triệu USD). Gia tộc này chiếm 90% cổ phần công ty. Đến năm 2011, giá trị tài sản của Hồng Phong tăng gấp đôi, đạt mức 760 triệu nhân dân tệ (127 triệu USD).
Năm 2010, Chu Linh Anh còn đầu tư 19 triệu nhân dân tệ (3,1 triệu USD) xây dựng đại lý độc quyền xe Audi duy nhất ở Giang Tô, một trong 5 doanh nghiệp độc quyền trên toàn Trung Quốc. Theo báo cáo tài chính, doanh thu của đại lý đạt 659 triệu nhân dân tệ (110 triệu USD) trong năm 2012, nhưng báo lại lỗ đến gần 16 triệu (2,7 triệu USD), khiến tổng tiền thuế phải nộp chỉ có 300 ngàn nhân dân tệ (50 nghìn USD).
"Mở đại lý Audi không dễ, đâu phải chỉ có tiền là được, cần phải có mối quan hệ cực mạnh", đại diện một doanh nghiệp ô tô tại Bắc Kinh cho biết. "Audi là sự lựa chọn hàng đầu các cơ quan nhà nước khi sắm xe công vụ".
Đức Dương