Giữa tháng 6, sau khi được giải cứu trở về nước, Nguyễn Văn Chiến (19 tuổi, ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) đã đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa tố cáo hành vi mua bán người của Trần Ngọc Chung (19 tuổi, ở khu phố Trung Thịnh, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn).
Chiến nói quen Chung từ 7 năm trước. Khoảng tháng 2, qua mạng xã hội, Chung báo đang làm việc bên Campuchia, công việc nhàn hạ, chỉ cần gõ máy tính mà mức lương lại cao (khoảng 500-1.000 USD mỗi tháng). Chung hứa mọi chi phí, thủ tục đi lại "sẽ có người lo hết". Đang lúc không có việc làm ổn định, lại là bạn bè thân thiết cùng quê, Chiến nhận lời.
Khoảng đầu tháng 3, Chung gọi điện báo "sẽ có người đón" và dặn Chiến ra một quán Internet ngồi chờ. Tại đây Chiến gặp thêm ba người khác ở TP Sầm Sơn cũng đang đợi để được đưa sang Campuchia làm việc theo sắp xếp của Chung. Khoảng 2h sáng, bốn người được tài xế taxi đến đón rồi đưa ra đường bắt xe khách di chuyển vào TP HCM.
Tại đây có người đón sẵn, đưa cả nhóm xuống Long An; đến khu vực rừng núi thì di chuyển bằng xe máy, chờ vượt biên. Trời sẩm tối, họ được một người đàn ông không quen biết dẫn qua rừng sang đất Campuchia. Tầm 4h sáng, họ đến nơi.
Sau đó, Chung về Việt Nam mà không lời từ biệt. Mỗi ngày, Chiến có nhiệm vụ ngồi máy tính để lôi kéo khách vào các game bài trả thưởng online, tăng lượng tương tác trên mạng xã hội... Chiến làm việc ở tầng hai một tòa nhà cao tầng. Tại đây có khoảng 300 nhân viên hầu hết là người Việt.
Chiến kể, hơn một tháng làm việc chứng kiến nhiều nhân viên bị đánh đập tàn nhẫn. "Việc bị đánh hộc máu mũi, dùi cui điện chích vào người kêu đèn đẹt, những tiếng la hét đau đớn diễn ra thường xuyên...", anh nói.
Tại tầng hai có một căn phòng được gọi là "phòng tối" - nơi dành riêng để trừng phạt những nhân viên có ý định bỏ trốn, không chịu làm việc hoặc cự cãi ông chủ. Mỗi lần đi vệ sinh qua căn phòng này, cậu đều nghe tiếng rên la đau đớn.
"Không có việc nhẹ lương cao như lời hứa mà chúng tôi liên tục bị đe dọa, bị ép buộc làm những việc phi pháp", Chiến kể.
Hằng ngày, anh phải làm việc 13-15 tiếng, nếu không đạt chỉ tiêu hoặc chống đối sẽ bị phạt. Nhẹ thì bị bắt quỳ nhiều giờ liền, nặng thì sẽ bị nhốt vào "phòng tối" chích điện. Ai muốn nghỉ việc phải nộp tiền chuộc 120-150 triệu đồng, nếu bỏ trốn hoặc báo công an sẽ bị trả thù.
Theo Chiến, làm việc được hơn một tháng thì trong công ty xảy ra việc một nhân viên tử vong. Cảnh sát đến khám xét, điều tra. "Thấy sự có mặt của lực lượng chức năng địa phương, chúng tôi đã kêu gào nhờ giúp đỡ...", Chiến kể.
Ngày 29/4, Chiến và nhiều người được đưa qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên về nước.
"Chúng tôi may mắn được phát hiện, giải cứu kịp thời, chứ ở đó giờ này không biết sẽ sống chết ra sao", anh kể.
Cuối tháng 6, Chung đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, tạm giam về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Vừa được người thân chuộc về sau nhiều tháng làm việc trong một casino ở Campuchia, Trần Chí Duy (19 tuổi, ở khu phố Khang Phú, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) bảo vẫn còn sợ hãi mỗi khi nhớ lại quãng thời gian nơi xứ người.
Duy cho hay, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từng có thời gian theo người thân vượt biên sang Trung Quốc làm thuê nhưng vì thấy nhiều rủi ro nên không đi nữa mà ở nhà dự định tìm việc làm mới.
Trong thời gian chờ việc, qua mạng xã hội, một người bạn cũ ở Nam Định rủ Duy sang Campuchia "làm việc nhẹ nhàng, lương cao" mà không cần giấy tờ, không cần tiền, mọi chi phí đi lại đều có người bao hết. Viễn cảnh đó khiến Duy đồng ý.
Sau Tết Nguyên đán năm 2022, Duy cùng một người bạn lên đường vào TP HCM gặp một người đàn ông và được đưa đến cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, An Giang) vượt biên sang Campuchia. Duy được đưa vào sòng bạc cách cửa khẩu không xa.
Duy kể, bước qua cánh cửa sòng bạc cũng là lúc mất hẳn liên lạc với kẻ môi giới. Anh sau đó được ông chủ thông báo mình đã bị bán với số tiền 2.700 USD. Biết bị lừa nhưng thân cô thế cô , Duy không có lựa chọn nào khác, đành chấp nhận làm việc với hy vọng có tiền về nước.
Tuy nhiên, sau ba tháng làm bưng bê, phục vụ khách ở casino, Duy lần nữa nhận được thông báo đã bị bán tiếp cho một sòng bài khác với giá 4.600 USD. Tại công ty mới, Duy được phát máy tính, điện thoại để tư vấn những nội dung được giới chủ lập trình sẵn cho khách đánh bạc qua mạng.
"Mỗi ngày tôi phải làm việc 14-15 tiếng, liên tục bị bảo vệ cầm súng kiểm tra, đe dọa nếu lơ là. Mọi sinh hoạt đều khép kín trong khuôn viên của công ty, không ai được phép ra ngoài", Duy kể. Trong khoảng thời gian làm việc ở đây, Duy không nhận được lương vì quản lý nói đã trừ vào chi phí sinh hoạt và tiền môi xuất cảnh.
Nhiều đêm mất ngủ vì sợ hãi, Duy và người bạn xin nghỉ việc thì được ông chủ yêu cầu nộp 140 triệu đồng tiền chuộc nếu không sẽ bị bán tiếp sang sòng bài khác. Lúc này, Duy buộc gọi điện về nhà cầu cứu gia đình. Để có tiền chuộc con, gia đình Duy vay mượn, thế chấp cả sổ đỏ căn nhà đang ở.
Chiến và Duy là hai trong số hàng trăm trường hợp ở tỉnh Thanh Hóa xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép và nhận kết cục buồn.
Theo trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa, trong số 19 nạn nhân ở tỉnh này vừa được lực lượng chức năng giải cứu ở Campuchia, đa số bị những kẻ có mối quan hệ thân quen, thông qua mạng xã hội rủ rê, lôi kéo với những lời mời chào hấp dẫn.
Nạn nhân đều là những thanh niên trẻ khỏe, không có việc làm ổn định, ham chơi, biết sử dụng sơ bộ máy tính... Để dụ "con mồi" sa bẫy, những kẻ môi giới tổ chức cho những người ở Campuchia ăn chơi tiệc tùng, chụp ảnh những toà nhà sang trọng gửi về Việt Nam làm "mồi nhử".
Mỗi khi có người đồng ý, chúng tiếp tục đề nghị họ tìm kiếm, giới thiệu thêm bạn bè, người thân đi cùng "để tiện chuyến xe đưa đón, hạn chế thời gian chờ đợi lâu...". Để củng cố niềm tin cho bị hại, môi giới còn chủ động mua vé máy bay và gửi thêm cho nạn nhân một khoản tiền nhất định để phục vụ chi phí đi lại.
"Với cùng thủ đoạn trên, nhiều người đã tìm mọi cách để vượt biên sang Campuchia làm việc với giấc mơ đổi đời mà không lường được hậu quả đang chờ họ phía trước", trung tá Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có công dân sang Campuchia lao động trái phép với tổng số 381 trường hợp.
Lực lượng chức năng đã phối hợp đưa được 179 trường hợp tại Campuchia trở về nước (giải cứu 19 người bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, trung tâm game online; 13 người được gia đình nộp tiền chuộc). Hiện còn hơn 200 người đang lao động trái phép tại Campuchia, trong đó 21 đang bị khống chế trong các cơ sở đánh bạc.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 8 nghi can liên quan một số đường dây lừa đảo đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia.
Theo Bộ Công an, sáu tháng đầu năm, Công an Việt Nam phối hợp với nhà chức Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép.
Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tập trung ở các khu như Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom, tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompênh.
Bộ Công an đề nghị người dân dân cảnh giác trước các lời mời gọi qua Campuchia làm "việc nhẹ lương cao", không mất chi phí đi lại. Trước khi đi làm cần tìm hiểu kỹ về điểm đến, nhân thân người giới thiệu.