Khu Đèn đỏ nổi tiếng của Amsterdam đầy rẫy những tấm biển viết bằng tiếng Anh khuyến cáo du khách: "Không tiểu tiện trên đường phố", "Không uống rượu ở nơi công cộng", "Bỏ rác vào thùng", "Phạt: 140 euro".
Nhưng những ngày gần đây, các tấm biển này dường như trở nên lạc lõng, bởi khu phố từng luôn đông đúc này giờ không còn bóng dáng khách du lịch.
Từ giữa tháng ba, khi chính quyền Hà Lan áp lệnh phong tỏa nhằm ngăn Covid-19, du khách gần như lập tức biến mất khỏi Amsterdam. Khủng hoảng kinh tế, xã hội khiến Hà Lan chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng người dân Amsterdam lại tìm thấy niềm an ủi: Thành phố được tạm thời rũ bỏ gánh nặng quá tải du lịch.
Không nơi nào sự thay đổi trở nên rõ nét hơn những con hẻm của Wallen, khu đèn đỏ nổi tiếng Amsterdam. Đây là địa điểm thu hút khách du lịch với hàng loạt nhà thổ hoạt động hợp pháp và những quán cà phê luôn đông nghịt người. Bình thường, bầu không khí luôn huyên náo, ồn ào, đôi khi mang đến những phiền toái nhất định. Du khách thường vứt rác bừa bãi, thậm chí tiểu tiện ngay trên đường phố. Nay, mọi thứ trở nên vắng lặng đến lạ thường.
Thực tế, Wallen từng là một khu dân cư yên tĩnh. Charlotte Schenk, 35 tuổi, sống cùng gia đình tại một trong những tòa nhà xung quanh công trình tưởng niệm Nhà thờ Cổ (Oude Kerk) ở Wallen. Cô là người đầu tiên nhận thấy những thay đổi. Khi được hỏi sự tĩnh lặng hiện nay có ý nghĩa như thế nào với cô, gương mặt Schenk sáng bừng lên.
"Thật tuyệt vời. Tôi đã sống ở đây 5 năm và nay mới có cơ hội quen biết những người hàng xóm mà tôi thậm chí còn không biết là mình có. Họ bị lẫn vào đám đông", cô nói. "Giờ đây, khi Mặt trời mọc, mọi người lại mang ghế ra trước hiên nhà ngồi, nói chuyện vui vẻ".
Schenk, quản lý cấp cao tại FedEx Digital, được làm việc tại nhà trong thời gian dịch bệnh. "Như thể thành phố một lần nữa thuộc về chúng tôi", cô nói. Cảm nhận của Schenk cũng là cảm giác chung của nhiều người dân Amsterdam khác.
Aart Jaeger, 74 tuổi, sống bên bờ kênh đào gần Nhà Anne Frank, một địa điểm tham quan nổi tiếng khác của thành phố. Bà cho biết "những hậu quả do Covid-19 gây ra thực sự đáng buồn nhưng đối với chúng tôi nó giống như một phước lành". "Du lịch ở đây đã trở nên quá tải, khiến chúng tôi phát ốm", bà chia sẻ.
Chứng kiến thành phố yên ả và thanh bình, không ít người dân cảm thấy như họ đang sống giữa Amsterdam của quá khứ. Tim Verlaan, phó giáo sư về lịch sử đô thị tại Đại học Amsterdam, mô tả thành phố hiện nay không khác gì thập niên 1970, 1980.
"Tất nhiên, biện pháp phong tỏa là chưa từng có tiền lệ. Nhưng nó gợi nhớ cho nhiều người dân Amsterdam về một thành phố từng là nơi đáng sống, không phải nơi để khai thác và thu hút khách du lịch", ông nói.
Nhờ kinh tế phát triển, tỷ lệ tội phạm thấp và chiến lược quảng bá xuất sắc, du lịch của Amsterdam đã bùng nổ. Từ những năm đầu thế kỷ 21 tới nay, sự cân bằng trong nội đô thành phố đã bị nghiêng về phía du lịch. Khách sạn mọc lên như nấm, đường phố luôn đông đúc, nhộn nhịp. Các kênh đào trở thành địa điểm tham quan cho khách du lịch, tập trung đông đảo những văn phòng bán vé và cửa hàng đồ lưu niệm.
Năm ngoái, 9 triệu du khách, chủ yếu là người nước ngoài, đã tới Amsterdam, thành phố với dân số chỉ 820.000 người.
"Sự yên tĩnh tuyệt đối ở Wallen cho thấy chính sách hướng du lịch đã ảnh hưởng tới khu dân cư như thế nào. Không có cửa hàng nào để phục vụ người dân", Verlaan cho hay.
Trong thời gian du lịch tạm lắng, nhiều người hy vọng sau khủng hoảng, mọi thứ sẽ được điều chỉnh.
"Đây là cơ hội để cho tất cả mọi người thấy chúng ta sẽ đi theo con đường nào kể từ đây", Els Iping, phát ngôn viên của VVAB, một tổ chức bảo vệ di sản văn hóa ở nội thành Amsterdam và ủng hộ việc khôi phục sự cân bằng cho thành phố theo hướng phục vụ lợi ích người dân, nói.
Những năm gần đây, chính quyền thành phố Amsterdam đang thắt chặt quản lý ngành du lịch. Công tác quảng bá đã được giảm bớt, các dịch vụ cho thuê như Airbnb hiện bị cấm ở một số khu dân cư, lệnh cấm các cửa tiệm chỉ phục vụ khách du lịch vừa được trình lên tòa án. Nhiều biện pháp khác đang tiếp tục được triển khai.
"Chúng ta có lẽ sẽ được nhìn thấy nhiều thay đổi bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng này", Verlaan nhận xét.
Tổ chức của Iping đã đệ đơn kiến nghị thành phố tiếp tục bám sát chủ trương kiểm soát chặt chẽ ngành du lịch. "Một số người trong ngành du lịch chắc chắn sẽ muốn đảo ngược các chính sách với lý do cần khôi phục nền kinh tế", bà nói. "Nhưng hầu như tất cả những người khác đều đồng tình rằng Amsterdam nên nắm bắt cơ hội để không bị quay trở về tình cảnh cũ".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)