Hai tháng trước, nước Anh khó lòng mường tượng được dấu mốc nghiệt ngã này. Anh ghi nhận ca tử vong vì nCoV đầu tiên ngày 5/3, khi Thủ tướng Boris Johnson nói rằng nước này "đã chuẩn bị cực kỳ tốt".
Nhưng đúng hai tháng sau, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), cơ quan phụ trách thống kê tất cả trường hợp tử vong, thông báo số liệu mới, cho biết 32.313 người đã tử vong vì Covid-19, bao gồm cả những người chết ngoài bệnh viện. Con số này vượt Italy với hơn 29.000 và chỉ thấp hơn Mỹ với hơn 72.000.
Trưởng ban cố vấn khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance từng nói giới hạn ca tử vong tại Anh ở mức 20.000 sẽ là "một kết quả tốt". Thủ tướng Johnson khẳng định luôn tuân thủ theo lời khuyên của chuyên gia.
Song chính phủ Anh đối mặt với chỉ trích ngày càng gia tăng vì phản ứng chậm trễ và sai lầm trước đại dịch. "Thật kinh khủng khi số ca tử vong sắp đạt 30.000. Chúng ta đang trong giai đoạn phản ứng, vì thế tôi chỉ trích rất kịch liệt tình trạng chậm trễ", David King, từng là cố vấn khoa học cao cấp cho chính phủ Anh năm 2000-2007, nói với BBC hồi tuần trước.
Thủ tướng Johnson, người phải nằm phòng chăm sóc tích cực trong ba ngày để chiến đấu với nCoV, bị cáo buộc không đánh giá đủ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng 3 cảnh báo về một đại dịch tiềm tàng, chính phủ Anh khuyến cáo rửa tay kỹ là biện pháp phòng vệ tốt nhất, đồng thời triển khai truy vết giới hạn một số ca nhiễm.
Johnson còn khoe rằng ông vẫn bắt tay mọi người khi gặp các bệnh nhân hôm 3/3. Hai ngày sau, giới chức Anh thông báo người đầu tiên chết vì nCoV.
Khi số ca nhiễm tại Anh bắt đầu tăng lên vào giữa tháng 3, nước này gần như bỏ rơi truy vết, tìm kiếm và xét nghiệm những người tiếp xúc với người nhiễm. Chiến lược truy vết đã được nhiều quốc gia, như Hàn Quốc và New Zealand, sử dụng rộng rãi để giảm tốc độ lây nhiễm và hạn chế số ca tử vong.
Thay vào đó, chính phủ Anh cho biết sẽ cố gắng giảm ca nhiễm, ngăn tình trạng quá tải đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) bằng các biện pháp cách biệt cộng đồng. Quyết định được đưa ra sau khi Đại học Hoàng gia London cảnh báo hạn chế đi lại "là lựa chọn chính sách ưu tiên" để ngăn virus lây lan và chặn hàng nghìn ca tử vong tiềm tàng.
Thay đổi này dường như là sự thừa nhận tình trạng lây nhiễm tại Anh đã vượt tầm kiểm soát. Nhưng Thủ tướng Johnson ban đầu vẫn lưỡng lự ban hành lệnh phong tỏa. Trong khi đó, cố vấn Vallance gây nhầm lẫn khi đề xuất cho phép hình thành "miễn dịch cộng đồng". Các bộ trưởng Anh nhanh chóng phủ nhận đây là ý định của họ và nói đó là "một khái niệm khoa học, không phải là mục tiêu".
Ngày 20/3, khi số ca nhiễm và tử vong tăng vọt, Anh lệnh đóng cửa trường học, quán rượu, nhà hàng, phòng gym và các địa điểm công cộng khác. Thủ tướng Johnson ba ngày sau yêu cầu dân chúng chỉ nên ra ngoài mua thức ăn, tập thể dục một lần trong ngày, hoặc chỉ đi làm nếu không thể làm việc tại nhà.
Vào giữa tháng 4, Anh vào nhóm các quốc gia ghi nhận nhiều người chết vì nCoV nhất, ghi nhận khoảng 10.000 ca tử vong tại các bệnh viện, trong đó hơn 1.000 ca hôm 8/4. Tổng số người chết tại Anh tăng gấp đôi gần hai tuần sau. Số ca tử vong thật sự tại Anh vẫn là chủ đề gây tranh cãi bởi các phương pháp thống kê khác nhau và cách so sánh tỷ lệ lây nhiễm, tử vong.
Trong khi các biện pháp phong tỏa đang làm nền kinh tế Anh tê liệt và chưa rõ khi nào sẽ được nới lỏng, Anh đang muốn quay lại sử dụng chiến lược truy vết người tiếp xúc, vốn được nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên từ bỏ.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cam kết sẽ tăng tốc độ xét nghiệm lên 100.000 lượt/ngày từ cuối tháng 4. Giới chức y tế Anh thuê hơn 18.000 người làm nhiệm vụ theo dõi với một ứng dụng mới, chương trình sẽ được triển khai vào giữa tháng 5. Dù đã đạt tốc độ xét nghiệm như cam kết và ứng dụng truy vết tiếp xúc đang được thử trên đảo Wight, giới chuyên gia chỉ trích chính phủ đã để mất quá nhiều thời gian.
Richard Horton, biên tập viên của tạp chí y khoa Lancet, mô tả phản ứng tổng thể trước Covid-19 của Anh là "thất bại chính sách khoa học lớn nhất" trong một thế hệ.
"Nếu chúng ta sử dụng hai tháng qua để tăng quy mô xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và tăng công suất sử dụng giường chăm sóc đặc biệt, rõ ràng chúng ta sẽ cứu được nhiều người", Richard Horton cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)