Sau một thời gian ngắn số ca nhiễm giữ ở mức thấp, các ca nhiễm mới bất ngờ tăng mạnh, khiến chính quyền đặc khu phải ban bố bổ sung hàng loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Giờ đây, Hong Kong dường như đã tiếp tục vượt qua được đợt sóng thứ hai này khi không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong đặc khu suốt hơn hai tuần qua.
Thành công của Hong Kong trong nỗ lực đối phó với Covid-19 mang đến kinh nghiệm quý báu cho rất nhiều thành phố khác trên thế giới, những nơi đang tìm cách nới lỏng biện pháp phong tỏa.
Hong Kong chỉ ghi nhận 15 ca nhiễm mới từ 20/4 tới nay, tất cả đều là những người có lịch sử di chuyển tới vùng dịch gần đây. Toàn đặc khu ghi nhận 1.041 ca nhiễm nCoV, trong đó chỉ có 4 người chết, 900 bệnh nhân đã hồi phục.
nCoV xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc đại lục hồi tháng 12 và xâm nhập vào Hong Kong từ 24/1. Lúc đó, virus chưa hoành hành ở nhiều quốc gia như hiện nay.
Một tuần sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, Hong Kong đã đóng biên và thực hành cách biệt cộng đồng. Các biện pháp phong tỏa đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế đặc khu, sức khỏe tinh thần cũng như phúc lợi của người dân.
Tâm lý hoảng loạn của công chúng lên tới đỉnh điểm vào đầu tháng hai, khi người dân đổ xô đi tích trữ khẩu trang, giấy vệ sinh và nhu yếu phẩm, vét sạch kệ hàng tại các siêu thị. Nhưng số ca nhiễm nCoV thực tế lại tương đối thấp. Đến đầu tháng ba, thành phố chỉ ghi nhận khoảng 150 ca nhiễm.
Sau đó, khi Covid-19 vượt khỏi Trung Quốc và tấn công châu Âu, du học sinh và người Hong Kong ở nước ngoài lũ lượt kéo về đặc khu, nhiều người mang theo cả virus. Đến cuối tháng ba, số ca nhiễm đã vượt 700.
Chính quyền đặc khu nhanh chóng đưa ra các biện pháp hành động quyết liệt nhằm ngăn làn sóng virus "nhập khẩu" từ nước ngoài. Họ cấm người không phải cư dân thành phố nhập cảnh, hoãn các chuyến bay quá cảnh tại đặc khu, đồng thời cách ly và kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng mọi công dân từ nước ngoài trở về. Những người bị yêu cầu cách ly tại gia phải đeo vòng điện tử để giúp nhà chức trách dễ dàng theo dõi vị trí.
Chính quyền cũng áp dụng các biện pháp như cấm bán rượu tại quán bar, đóng cửa tất cả phòng tập gym và cơ sở thể thao. Nhiều nhà hàng và quán cà phê phải ngừng hoạt động. Những nơi vẫn mở cửa phải giảm mật độ nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn giữa khách hàng hoặc dựng tấm chắn giữa các bàn ăn.
Dù một số người coi những biện pháp này quá quyết liệt, giới chức Hong Kong chưa bao giờ ra lệnh phong tỏa toàn bộ hay cấm người dân ra khỏi nhà. Thay vào đó, họ chủ yếu dựa vào ý thức tuân thủ của cộng đồng.
Cách tiếp cận trên đã phát huy tác dụng khi số ca nhiễm mới mỗi ngày một lần nữa giảm mạnh. 19/4 là ngày cuối cùng Hong Kong ghi nhận ca nhiễm nCoV trong cộng đồng. Khi đợt bùng phát thứ hai hầu như được kiểm soát, nhiều người đang nóng lòng được trở lại cuộc sống trước đại dịch.
"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng đã đến lúc nới lỏng, gỡ bỏ một số biện pháp giới hạn", Trưởng đặc khu Carrie Lam ngày 5/5 nói.
Chính quyền và người dân đặc khu đang thận trọng chuyển trọng tâm từ "sống sót" sang khôi phục đời sống và hoạt động kinh doanh bình thường trong thành phố.
Chính quyền đặc khu hôm qua cho mở cửa trở lại các địa điểm giải trí và thể thao, nối lại một số dịch vụ như các lớp học và thi bằng lái xe, đồng thời khôi phục các dịch vụ cộng đồng dành cho những người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người già.
Trường học vẫn đóng cửa, học sinh chủ yếu tham gia các lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, nhà chức trách đang cân nhắc khả năng mở cửa trở lại trường học trong vài tuần cuối cùng của năm học, trước kỳ nghỉ hè.
"Chúng tôi đã thảo luận với các hiệu trưởng và bên liên quan khác trong lĩnh vực giáo dục. Có một sự đồng thuận chung rằng nếu khả thi, chúng ta nên mở cửa trường học càng sớm càng tốt", lãnh đạo cơ quan phụ trách giáo dục Hong Kong Kevin Yeung hôm 29/4 nói. "Dù chỉ là một hoặc hai tháng của năm học, nhìn chung, chúng ta vẫn nên làm điều đó".
Người dân Hong Kong đã đón nhận nhiệt tình việc các biện pháp hạn chế được nới lỏng khi mùa hè đang tới. Hai tuần qua, các bãi biển, cung đường đi bộ và khu cắm trại luôn chật cứng người. Các nhà hàng đã đông khách trở lại. Một số nơi, khách còn phải xếp hàng chờ.
Dù vậy, các chuyên gia y tế Hong Kong cảnh báo người dân không nên lơ là. Còn quá sớm để kết luận rằng tình trạng lây nhiễm đã dừng hẳn, bác sĩ Chuang Shuk-kwan từ Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe hôm qua cho hay.
Bà Lam và các chuyên gia y tế khác cũng nhấn mạnh người dân Hong Kong không nên mất cảnh giác như hồi tháng hai. Khi virus vẫn hoành hành trên toàn cầu, còn quá sớm để ăn mừng, bà cảnh báo.
"Tôi phải nhấn mạnh rằng dịch bệnh này hoàn toàn có thể quay trở lại. Như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói không lâu trước đây... chúng ta cần cảnh giác", bà Lam tuần trước cho hay.
Nhà chức trách Hong Kong cũng lo ngại phong trào biểu tình có thể bùng phát trở lại khi dịch bệnh có chiều hướng được kiểm soát. Thành phố đã trải qua 6 tháng bất ổn vì các cuộc biểu tình khởi nguồn từ nỗ lực chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Đã có một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ diễn ra trong hai tuần qua.
"Hong Kong đã liên tiếp nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm nCoV", bà Lam tuần trước đăng trên Facebook. "Chúng ta có thể chịu được đại dịch... Hong Kong có thể chịu được mùa đông khắc nghiệt, nhưng tôi lo lắng Hong Kong có thể không chịu được sự hồi sinh của bạo lực và tàn phá liên tục do chính trị gây ra".
Vũ Hoàng (Theo CNN)