Tên lửa đánh chặn Mỹ phóng lên từ căn cứ Vandenberg, California
Lầu Năm Góc ngày 30/5 lần đầu tiên thử nghiệm thành công một tên lửa đánh chặn tầm xa trên Thái Bình Dương, trong một nỗ lực được giới phân tích đánh giá là nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất từ Triều Tiên, theo CSMonitor.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ không để kịch bản Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn tới Bắc Mỹ xảy ra, đồng thời cam kết sẽ "giải quyết" cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng chế tạo được vũ khí hủy diệt này.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung, trong đó có Pukguksong-2, loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn được cho là bước đột phá để Bình Nhưỡng sở hữu ICBM trong khoảng một năm tới. Bình luận viên Graham Allison của NYTimes cho rằng với cuộc thử nghiệm đánh chặn chưa từng có tiền lệ này, Washington đang ngầm thừa nhận rằng kịch bản tồi tệ nhất có thể sẽ xảy ra.
Phó đô đốc Jim Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, gọi cuộc thử nghiệm này là một "bước ngoặt quan trọng", chứng tỏ Mỹ đã có một vũ khí răn đe hiệu quả, đáng tin cậy đối với "mối đe dọa thực sự". Ông Syring không nói cụ thể mối đe dọa đó là gì, nhưng mục tiêu bị đánh chặn trong cuộc thử nghiệm được cho là mô phỏng ICBM có tầm bắn gần 7.000 km, loại tên lửa mà Triều Tiên đang nỗ lực chế tạo.
Đầu đạn đánh chặn được phóng lên từ hầm chứa tại căn cứ không quân Vandenberg ở California, va chạm và tiêu diệt quả tên lửa trên một vùng biển giữa Thái Bình Dương. Đầu đạn này là một phần trong chương trình chống tên lửa mà Mỹ đã phát triển từ đầu thập niên 1990, với mục tiêu ban đầu là chống lại mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Khi đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên đổ vỡ, Washington đã tích cực chuẩn bị cho phương án B, đó là tăng cường năng lực đánh chặn nhằm ngăn ngừa mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Báo cáo công bố năm 2015 của Đại học Johns Hopkins dự đoán Triều Tiên có thể sở hữu tới 100 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020. John Schilling, chuyên gia về tên lửa nổi tiếng của Mỹ, mới đây ước tính Bình Nhưỡng sẽ sở hữu ICBM gắn đầu đạn hạt nhân vào năm sau.
Trước kịch bản xấu nhất ngày càng trở nên rõ nét, Mỹ đã dần hoàn thiện lưới phòng thủ tên lửa nhiều tầng, nhiều lớp bao quanh Triều Tiên. Lớp đầu tiên trong hệ thống đó là mạng lưới cảm biến toàn cầu trên biển, trên đất liền và trên không gian nhằm kịp thời phát hiện và theo dõi bất cứ vụ phóng tên lửa nào nhắm vào Mỹ.
Mạng lưới đó bao gồm trạm radar băng tần X ở Trân Châu Cảng, các trạm radar cảnh báo sớm trải khắp Alaska, Greenland, Anh, cho tới radar trong hệ thống Aegis trên các tàu khu trục trên biển. Dữ liệu từ các hệ thống radar này đều được gửi về trạm kiểm soát trung tâm được đặt tại căn cứ không quân Schiriever ở Colorado Springs.
Cơ chế đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ
Từ năm 2004, Mỹ cũng đã bố trí các tên lửa đánh chặn ở Ft. Greeley, Alaska và căn cứ Vandenberg. Nước này đang sở hữu 36 hệ thống đánh chặn, dự kiến tăng lên 44 tổ hợp vào cuối năm nay. Những tên lửa đánh chặn ba tầng đẩy này có thể tiêu diệt mục tiêu trong giai đoạn giữa hành trình, với đầu đạn đánh chặn được thiết kế để lao thẳng vào ICBM của đối phương và khiến nó nổ tung trên bầu trời.
Tranh cãi về độ tin cậy
Mặc dù các quan chức Lầu Năm Góc và tướng lĩnh quân sự Mỹ hết lời ca ngợi vụ thử nghiệm đánh chặn, Laura Grego, chuyên gia cấp cao tại Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) cho rằng tên lửa đánh chặn được sử dụng trong lần thử nghiệm này mới chỉ là "nguyên mẫu tiên tiến", nghĩa là nó vẫn chưa hoàn chỉnh về mặt công nghệ, dù hệ thống đánh chặn đã được triển khai sẵn sàng chiến đấu từ năm 2004.
Lần thử nghiệm thành công gần đây nhất của hệ thống là vào tháng 6/2014, với mục tiêu là những tên lửa đạn đạo chưa có tầm bắn xa như ICBM. Trong 9 lần thử nghiệm trước đó, chỉ có 4 lần đầu đạn đánh chặn tiêu diệt được mục tiêu. Điều này làm dấy lên nỗi lo ngại trong giới chuyên gia rằng lá chắn cuối cùng của Mỹ có thể bất lực nếu Triều Tiên phóng đồng loạt nhiều tên lửa đạn đạo tầm xa.
Báo cáo của UCS năm 2016 cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất của Mỹ "không đảm bảo độ tin cậy để đạt tới khả năng tác chiến hữu ích".
"Chúng ta không thể chấp nhận mối quan hệ chiến lược dễ bị tổn thương trước tên lửa Triều Tiên, giống như quan hệ với Nga hay Trung Quốc. Điều này rất quan trọng và chúng ta phải làm đúng", Thomas Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói.
Tuy nhiên, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Lầu Năm Góc khẳng định hệ thống đánh chặn này được thiết kế để đối phó với mối đe dọa đang trong giai đoạn hình thành, nên tỷ lệ đánh chặn thành công cần được xem xét dưới góc độ này. Đầu đạn đánh chặn vẫn đang trong quá trình được cải tiến để cải thiện độ chính xác cũng như hiệu quả tiêu diệt mục tiêu.
Quân đội Mỹ thử nghiệm đánh chặn tên lửa năm 2010
Các chuyên gia của CSIS cũng nhận định đây là một hệ thống đầy hứa hẹn, đồng thời hối thúc Mỹ triển khai 80 tổ hợp đánh chặn vào năm 2020 để đối phó với bất cứ mối đe dọa nào từ Triều Tiên.
Dan Sullivan, nghị sĩ đến từ bang Alaska, nơi dễ bị tên lửa Triều Tiên đánh trúng nhất, cho rằng một khi Bình Nhưỡng phát triển thành công ICBM gắn đầu đạn hạt nhân, sức ép lên tổng thống Mỹ sẽ lớn đến mức buộc nhà lãnh đạo này phải có động thái "quân sự". Tuy nhiên, nếu Mỹ phát triển thành công hệ thống có thể đánh chặn 99,9% tên lửa đạn đạo, Triều Tiên sẽ buộc phải cân nhắc rất kỹ về chương trình tên lửa của mình.
"Sở hữu một hệ thống phòng thủ tên lửa vững chắc sẽ giúp tổng thống dễ thở hơn, có nhiều lựa chọn hơn nhiều", Sullivan nhấn mạnh.
Trí Dũng