Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch nhằm "đề phòng mối đe dọa đến từ Mỹ", và "khiến cả thế giới phải ngước nhìn quốc gia hạt nhân và đảng Lao động Triều Tiên vĩ đại", theo bút phê của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong sắc lệnh cho phép chính phủ nước này thử hạt nhân lần thứ tư.
Tuyên bố trên của Triều Tiên đã ngay lập tức làm dấy lên làn sóng quan ngại trong dư luận quốc tế, bởi bom nhiệt hạch là loại vũ khí nguy hiểm và uy lực hơn rất nhiều so với bom hạt nhân. Điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nữa là tuyên bố này chứng tỏ Triều Tiên đã đạt được một bước tiến mới trong chương trình hạt nhân hạt nhân của mình, dù Mỹ và nhiều chuyên gia phân tích quốc tế không tin rằng vũ khí được Triều Tiên thử nghiệm hôm 6/1 không phải là một quả bom nhiệt hạch hoàn chỉnh.
Bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom H hoặc bom hydro, sử dụng phản ứng phân hạch từ bom nguyên tử để làm tan chảy các đồng vị phóng xạ hydro, tạo ra phản ứng nhiệt hạch giải phóng năng lượng lớn hơn phản ứng phân hạch hàng nghìn lần. Bởi vậy, việc chế tạo bom nhiệt hạch phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều so với bom nguyên tử thông thường.
Trong một bài viết trên Business Insider, sử gia hạt nhân Alex Wellerstein thuộc Viện Công nghệ Steven, cho biết nếu Triều Tiên bất ngờ tuyên bố sở hữu vũ khí nhiệt hạch, họ đã có trong tay nhiều lựa chọn để phát triển loại vũ khí giết người hàng loạt này.
Theo đó, Bình Nhưỡng có thể chế tạo những quả bom siêu lớn, có sức hủy diệt tối đa có thể làm bốc hơi toàn bộ một thành phố lớn. Nhược điểm của loại vũ khí này là chúng quá lớn và nặng, khó có thể sử dụng trong thực tế ngay cả khi được vận chuyển bằng một máy bay ném bom chiến lược cỡ lớn.
Triều Tiên cũng có thể chế tạo những quả bom thu nhỏ có hiệu quả cao, phát ra lượng bụi phóng xạ tương đối nhỏ và đạt sức công phá vài trăm kiloton, có thể đặt vừa trong một thiết bị có kích thước tương đương một thùng rác.
Ông Wellerstein cho biết thiết kế này rất phổ biến trong kho vũ khí hạt nhân Mỹ, dù nó "đòi hỏi một số mẹo sáng kiến kỹ thuật" từ đầu thập niên 1960 để lắp ráp, chế tạo những quả bom như vậy. Ngoài ra, Triều Tiên có thể tạo ra một loại vũ khí có sức công phá cao nhưng không phát ra bụi phóng xạ, một loại "bom sạch" mà Mỹ chưa từng phát triển với số lượng lớn. Triều Tiên được cho là chưa đủ công nghệ để có thể chế tạo loại "bom sạch" kích thước nhỏ này.
Theo chuyên gia này, với nguồn lực và kinh nghiệm hạt nhân còn hạn chế, Triều Tiên sẽ không phung phí vật liệu hạt nhân của mình để chế tạo một quả bom nhiệt hạch cực lớn. Thay vào đó, việc phát triển các đầu đạn nhiệt hạch cỡ nhỏ có thể gắn trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mang tính cấp bách chiến lược hơn.
Một khả năng khác là Triều Tiên có thể tạo ra một quả bom vỏ mỏng có sức công phá thấp, từ một đến 10 kiloton, nhưng lại phát ra một lượng lớn bụi phóng xạ trong khi nổ. Loại bom có tên gọi là "bom neutron" hay "phóng xạ tăng cường" này không hề khó chế tạo nếu một quốc gia sở hữu trong tay công nghệ sản xuất bom nhiệt hạch cơ bản.
Khó thay đổi cuộc chơi
Theo ông Wellerstein, ngay cả khi đã thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch, Triều Tiên khó có thể làm xoay chuyển được cục diện và gây áp lực đáng kể lên Mỹ và Hàn Quốc, bởi vấn đề lớn nhất trong việc sử dụng bom nhiệt hạch là công nghệ thu nhỏ.
"Phần khó nhất của việc sử dụng bom nhiệt hạch là bạn phải thu nhỏ quả bom đến mức có thể sử dụng được về mặt chiến thuật", ông nói. Một quả bom nhiệt hạch quá lớn có sức hủy diệt cao nhưng lại rất khó có thể đưa được nó tới mục tiêu bằng tên lửa, trong khi việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược để không kích là quá mạo hiểm.
Ngoài ra, Triều Tiên còn sẽ gặp nhiều vấn đề về dữ liệu thử nghiệm. Từ thập niên 1950, Mỹ đã kích nổ hàng trăm quả bom nhiệt hạch và thu về các dữ liệu kiểm nghiệm rất phong phú. Trong khi đó, Triều Tiên mới chỉ tiến hành 4 vụ thử hạt nhân, trong đó chỉ có vụ thử mới đây nhất được tuyên bố là tiến hành trên bom nhiệt hạch.
Nếu Triều Tiên đã thực sự thử thành công một quả bom nhiệt hạch, hay chỉ là một quả bom nguyên tử thông thường được trộn thêm đồng vị phóng xạ hydro, nó chỉ thể hiện một điều rằng quốc gia này vẫn quyết tâm theo đuổi một loại vũ khí có sức hủy diệt lớn hơn.
Theo chuyên gia phân tích Andray Abrahamian thuộc Đại học Macquarie, vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên có thể làm tăng sự ủng hộ của người dân trong nước đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời gây ra nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế, nhưng không thể thay đổi được hiện trạng trên bán đảo Triều Tiên.
Sau khi tuyên bố thử thành công "bom nhiệt hạch" được loan báo trên truyền hình quốc gia, người dân Triều Tiên đã đổ ra đường ăn mừng, thậm chí bật khóc trước "sự kiện trọng đại của quốc gia". Theo ông Abrahamian, sau sự kiện này, đông đảo người dân Triều Tiên sẽ chấp nhận quan điểm của chính phủ rằng vũ khí hạt nhân là cần thiết để răn đe "kẻ thù trước cửa" của họ là Mỹ.
Trên đà này, ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế Triều Tiên, để người dân thấy rằng ông vẫn tập trung kế thừa di sản hạt nhân của người cha Kim Jong-il để lại, nhưng vẫn không quên phát triển nền kinh tế và chăm lo đời sống của nhân dân. Chính điều đó sẽ làm tăng đáng kể uy tín và hình ảnh của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này, theo chuyên gia Abrahamian.
Trên bình diện quốc tế, Mỹ và các nước láng giềng của Triều Tiên sẽ không quá lo sợ trước sự kiện này, và sẽ có những phản ứng theo khuôn mẫu từ trước.
Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường áp lực để áp đặt thêm các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Trên thực tế, Quốc hội Mỹ đã xem xét ba đạo luật cấm vận khác nhau đối với Triều Tiên trong năm qua, và vụ thử hạt nhân này có thể khiến đạo luật với những lời lẽ gay gắt nhất được thông qua.
Các ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này để lên tiếng chỉ trích Triều Tiên, phê phán chính quyền cũ của Mỹ, và đưa ra những giải pháp mới để tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Trong bối cảnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang chiếm sự quan tâm rất lớn của dư luận, vụ thử nghiệm "bom nhiệt hạch" này sẽ khiến vấn đề Triều Tiên được quan tâm hơn trong các chương trình nghị sự, và đây là điều mà Bình Nhưỡng rất mong muốn.
Về phần mình, các lãnh đạo Trung Quốc dù bất bình với chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn sẽ không có những phản ứng quá gay gắt với đồng minh thân cận này, ông Abrahamian dự đoán. Trong vài tuần tiếp theo, nhiều khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng thảo luận để thống nhất sẽ cấm vận ai, cái gì bằng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, nhưng sẽ không có nhiều đột biến so với lệnh cấm vận được đưa ra vào năm 2013.
Hàn Quốc, dù đưa ra các tuyên bố phản đối giận dữ, cũng không có nhiều lựa chọn trong việc phản ứng với vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên. Trong thời gian tới, Seoul nhiều khả năng sẽ thắt chặt các quy định đối với các doanh nghiệp nước này làm ăn với Triều Tiên, đặc biệt là dự án đường sắt Nga - Triều Tiên và dự án xây cảng ở vùng đông bắc.
Giới phân tích đánh giá rằng vụ thử nghiệm "bom nhiệt hạch" mới nhất của Triều Tiên sẽ không gây ra quá nhiều xáo trộn trong tình hình khu vực. "Bằng vụ thử nghiệm này, ông Kim Jong-un đã củng cố được vị thế và ảnh hưởng của mình, trong khi các quốc gia khác sẽ không có những phản ứng quá mạnh mẽ trước vụ việc, và cuộc chơi sẽ không hề thay đổi", ông Abrahamian bình luận.
Xem thêm: Sự khác nhau giữa bom nguyên tử và nhiệt hạch
Trí Dũng