Sáng 21/8, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe hầm đường bộ Đèo Cả, trên Quốc lộ 1A nối Khánh Hòa với Phú Yên, sau gần 5 năm thi công. Việc đưa hầm vào sử dụng giúp các ôtô qua đèo chỉ còn 10 phút, so với một giờ trước đây.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Đình Thọ đánh giá hầm Đèo Cả khi đưa vào vận hành giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian cho các loại xe khi chạy trên Quốc lộ 1A; xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A giáp Khánh Hòa - Phú Yên và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội miền Trung - Tây Nguyên và toàn khu vực.
Ông Lê Quỳnh Mai - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả cho hay, bước đầu ôtô được đi qua hầm miễn phí tới đầu tháng 9. "Chúng tôi sẽ có phương án, tính toán dùng ôtô trung chuyển qua hầm", ông Mai nói và cho biết, trường hợp người dân không muốn qua hầm có thể đi bằng đường đèo hiện tại.
Theo ông Mai, đặc thù xây hầm Đèo Cả bằng hình thức BOT nên được Nhà nước cho đơn vị phần vốn đối ứng. Hồi năm 2012, do ngân sách khó khăn nên Thủ tướng quyết định giao công ty hai trạm Ninh An và Bàn Thạch để thu phí, số tiền thu được một phần vốn đối ứng hợp đồng BT dự án hầm Đèo Cả.
Trạm Ninh An sau đó chuyển sang thu phí cho dự án BOT Quốc lộ 1A và không làm nhiệm vụ thu phí hoàn vốn Đèo Cả. Trường hợp trạm thu phí Bàn Thạch nằm ở gần hầm được dời về xã An Dân (huyện Tuy Hòa, Phú Yên) là để đảm bảo khoảng cách 70 km giữa hai trạm.
"Riêng hầm Đèo Cả, đơn vị thu phí trong 28 năm để hoàn vốn đầu tư, song sẽ tính toán đề xuất với Bộ giao thông để rút ngắn thời gian thu phí", Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả khẳng định.
Dự án được Bộ Giao thông phê duyệt, giao Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Hầm dài hơn 4 km, gồm 2 ống ngầm song song, cách nhau 30 m; được trang bị hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn.
Hầm có hai làn xe, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 80 km/h và có thể chịu đựng được động đất cấp 7. Đây là hầm đường bộ dài thứ hai cả nước, đứng sau hầm Hải Vân.
Xuân Ngọc