Phương án tổ chức giao thông hai đoạn cao tốc trên vừa được Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt sau khi thẩm định đủ điều kiện thông xe. Hai đoạn này tổng chiều dài gần 11 km, trong đó khu vực qua Long An khoảng gần 4 km và hơn 7 km ở Đồng Nai.
Đoạn đầu tuyến qua Long An sẽ được thông xe bao gồm cả nút giao với tuyến TP HCM - Trung Lương và vị trí giao với quốc lộ 1. Đoạn cuối tuyến qua Đồng Nai cũng bao gồm thông xe cả hai nút giao với đường BOT 319 và giao lộ quốc lộ 51 tại huyện Long Thành.
Theo Cục Đường bộ, đây là phương án tổ chức giao thông tạm, nhằm kết nối cao tốc với các trục đường quanh giúp giảm mật độ xe, hạn chế ùn tắc, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó, phương án dự kiến được đưa ra là đoạn đầu tuyến chỉ cho ôtô tải dưới 10 tấn, xe khách, ôtô loại nhỏ cùng xe phục vụ dự án; cứu hoả, cứu thương lưu thông. Đoạn này cho phép tốc độ tối đa 40 km/h (qua nút giao) và 60 km/h (ngoài nút giao).
Đối với đoạn cuối tuyến, tốc độ tối đa cho phép khu vực ngoài nút giao là 100 km/h và tối thiểu 60 km/h. Đoạn này chỉ cho ôtô chạy, cấm xe máy, người đi bộ...
Để đảm bảo việc tổ chức giao thông phù hợp, an toàn, Cục Đường bộ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp các bên liên quan tiếp tục rà soát lại phương án trên, cần thiết sẽ điều chỉnh trước khi áp dụng để người dân đi lại thuận lợi.
Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, đi qua Đồng Nai, TP HCM và Long An, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng. Tuyến đường rộng 24 m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP HCM. Tuy nhiên, dự án chậm triển khai do khó khăn về chính sách đầu tư, thiếu vốn.
Hạ Giang