Sáng 26/1, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam tổ chức lễ thông xe cầu Hưng Hà và tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tuyến đường gồm hai đoạn: đoạn nối từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại nút giao quốc lộ 39) đến cầu Hưng Hà dài 24 km với vốn đầu tư 1.077 tỷ đồng do tỉnh Hưng Yên đầu tư. Đoạn nối từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tại nút giao Liêm Tuyền) đến cầu Hưng Hà dài 15 km do tỉnh Hà Nam đầu tư với tổng vốn 923 tỷ đồng. Cả hai đoạn được thiết kế mặt đường rộng 11 m và mở rộng lên 22 m ở giai đoạn 2 sau này, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Nối giữa hai đoạn đường là cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu dài 6,1 km do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Cầu rộng 22 m, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, cho hay, tuyến đường này thỏa niềm mơ ước của nhân dân hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam nối liền hai bờ sông Hồng. Toàn tuyến đường và cầu Hưng Hà dài 47 km kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình sẽ nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc, giảm khoảng một giờ chạy xe; đồng thời giảm áp lực cho cầu Thanh Trì khi phương tiện không phải chạy qua Hà Nội để lưu thông giữa hai tỉnh.
Tuyến đường này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trực tiếp là tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá, hai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đã có từ lâu song chúng ta không có đường kết nối. Tuyến đường này như một gạch ngang của chữ A kết nối không chỉ hai cao tốc mà cả các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ông đánh giá cao sự đóng góp của 6.000 hộ dân di dời để làm tuyến đường, các tỉnh thi công công trình chất lượng tốt và phía Hàn Quốc đã hỗ trợ vốn đầu tư cầu Hưng Hà.
Ông yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm trên tuyến đường để giảm tai nạn giao thông hơn trước đây. Đồng thời, hai tỉnh phải chuyển hướng kinh tế nông nghiệp đô thị để có sức bật mới, cũng như dần đô thị hóa khu vực này.