Thứ bảy, 9/11/2024
Thứ hai, 9/11/2020, 14:03 (GMT+7)

Thông xe cầu cạn Vành đai 2 qua đường Trường Chinh

Hà NộiGần 2 km đường trên cao đoạn qua đường Trường Chinh được thông xe phục vụ ôtô chạy với tốc độ 80 km/h.

Sáng 9/11, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mở rào chắn, thông xe tuyến cầu cạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng (dọc đường Trường Chinh), dài gần 2 km. Đoạn cầu này là một phần của dự án Vành đai 2 trên cao, dài 5 km từ nút giao Ngã Tư Sở đến điểm tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy.

Khởi công từ tháng 4/2018, phân đoạn chạy qua đường Trường Chinh nay đã hoàn thiện và cho thông xe để giải tỏa áp lực giao thông.

Cầu cạn phục vụ ôtô, cấm xe máy, xe đạp và người đi bộ. Để điều chỉnh giao thông thuận lợi, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thí điểm như sau: Cấm phương tiện từ đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái tại nút giao Ngã Tư Sở. Thay vào đó, các phương tiện từ đường Tây Sơn có thể đi thẳng hoặc rẽ phải vào đường Láng rồi quay đầu tại điểm mở của dải phân cách. Từ đó, các phương tiện có thể đi thẳng ra đường Trường Chinh hoặc rẽ phải ra đường Nguyễn Trãi. Sở điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phục vụ ở hai đầu cầu (21 giây/xanh) cho phù hợp với lượng phương tiện qua lại khi thông cầu.

Các điểm lên xuống cầu cạn rộng 7 m mỗi bên, không được kẻ vạch phân làn. Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 3 cho biết, trong sáng đầu tiên thông xe, phương án thí điểm trước mắt cho thấy hiệu quả khả quan, không xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông sẽ phải tiếp tục ghi nhận, điều chỉnh cho thích hợp hơn nữa.

Trong sáng cùng ngày thông xe, nhiều người đi xe máy, xe đạp do không để ý đã đi vào cầu cạn.

Đường Vành đai 2 được thiết kế mỗi bên hai làn ôtô, đi theo trục đường Trường Chinh nên có nhiều khúc cong.

Các khe co giãn ở hai bên cầu được thiết kế bằng tấm thép đan nhau bằng phẳng, phương tiện chạy qua không gây nhiều tiếng ồn.

Rãnh thoát nước hai bên đường được thiết kế bằng các tấm thép, có thể nhấc lên để dọn rác khi cần thiết.

Khác với cầu cạn Vành đai 3, cầu cạn Vành đai 2 được thiết kế hệ thống kính chống ồn cao hơn một mét ở hai bên, kết hợp với dải phân cách bằng thép.

Dự án đường Vành đai 2 Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng, trong đó khoảng 4.000 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng 3.000 tỷ đồng và các chi phí khác.

Tại đầu nút giao Ngã Tư Sở trong khung giờ cao điểm, giao thông ùn ứ khoảng vài chục mét, phương tiện dừng chờ 3-4 nhịp đèn mới có thể đi qua. Khi hết giờ cao điểm, phương tiện có thể đi lại bình thường.

Phần hai của dự án dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp nối với nút giao Ngã Tư Vọng. Dải phân cách giữa rộng 4 m sẽ dùng làm nơi bố trí trụ đường Vành đai 2 trên cao.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường Minh Khai sẽ được mở rộng từ 53,5 - 63,5 m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vỉa hè mỗi bên rộng 4 - 6 m.

Cầu cạn Vành đai 2 Hà Nội thông xe
 
 

Đường Vành đai 2 trên cao bám theo đường Trường Chinh. Video: Bá Đô - Giang Huy.

Bá Đô - Giang Huy