Là diễn giả có bài trình bày đầu tiên tại Hội nghị khoa học công nghệ toàn quốc về nghiên cứu ứng dụng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam dẫn nhiều dữ liệu để làm rõ vai trò của hệ thống thông tin địa lý và phát triển các công nghệ mới trong đo đạc bản đồ. Sự kiện do Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 23/11.
Ông giải thích đo đạc bản đồ được coi là hệ quy chiếu thông tin gắn lên hoạt động của con người, trong đó xác định vị trí điểm có tọa độ không gian gắn với thời gian thực, gọi là "hệ thông tin không thời gian địa lý".
Để có thể làm chủ dữ liệu, việc phát triển và nắm bắt các công nghệ mới được GS Võ cho rằng vô cùng quan trọng. Dẫn ví dụ về một đô thị thông minh, nếu chỉ phản ánh tình trạng giao thông, mạng lưới điều khiển tĩnh ông cho là chưa đủ. "Việc đầu tiên quan trọng là phải hình thành hệ thống thông tin địa lý gắn với thời gian thực, nghĩa là chỉ khi nào đưa ra được mô hình trái đất thực của đô thị đó mới phản ánh được hoạt động của đô thị thông minh", ông nói.
Ông cho biết thông tin địa lý đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên thông tin, đồng thời chỉ ra các nước phát triển rất quan tâm tới cơ sở dữ liệu thông tin địa lý gắn với thời gian thực, coi đó là dữ liệu nền, là tham chiếu của những thông tin khác.
Khi công nghệ đo đạc và bản đồ đủ khả năng thoả mãn yêu cầu 4.0, con người có thể tác động vào bề mặt Trái Đất thông qua mô hình ghi nhận được hiện trạng thực tế. Mọi biến động trên mặt đất do bất kỳ yếu tố nào gây ra cũng được ghi nhận và xử lý kịp thời. "Việc đo đạc hệ thống thông tin địa lý không thời gian có thể giúp trong việc quy hoạch đô thị, đưa ra các dự báo, ngăn ngừa tai biến thiên nhiên...", GS Võ nói.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá đo đạc bản đồ có vai trò quan trọng, có mức độ số hóa cao, công nghệ sản phẩm tiên tiến, được chia sẻ ở dạng số. Bà cho biết, dữ liệu bản đồ địa hình số, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia là những số liệu điều tra cơ bản đồng bộ, đảm bảo cung cấp kịp thời cho các ứng dụng của xã hội số.
Theo bà Hoa sự phát triển đo đạc và bản đồ có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ mới, thiết bị, giải pháp mới đẩy nhanh quản lý bản đồ số, làm nền tảng phát triển ứng dụng trong không gian, chia sẻ không gian chính xác kịp thời, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Tại sự kiện nhiều công nghệ, thiết bị đã nghiên cứu thành công được giới thiệu. Trong đó có ứng dụng phần mềm UR - SCAPE và phương pháp phân tích Grid - based phục vụ phân vùng nhạy cảm lan truyền dịch Covid-19 qua tiếp xúc; thiết bị đo sâu hồi âm và hệ thống GNSS - RTK - IMU trên xuồng tự hành (USV) phục vụ khảo sát địa hình dưới nước...
Theo TS Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Việt Nam, công nghệ thông tin địa lý (GIT) là một trong ba công nghệ lớn của thế kỷ 21, chỉ ngay sau công nghệ nano và công nghệ sinh học. Đây là hệ thống được thiết kế bao trùm toàn bộ dữ liệu, công nghệ của đo đạc bản đồ, phân tích, quản lý các dữ liệu địa lý. Các xu hướng GIT đều gắn liền với sự phát triển của ICT và công nghệ đo đạc, bản đồ và viễn thám trong đó có dữ liệu thời gian thực, cảm biến khắp nơi và khả năng kết nối.
Ông Sơn cho rằng, Việt Nam cần thay đổi và có những đột phá trong công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), trong đó phát triển các sản phẩm mới của GIT như phát triển bản đồ web tương tác; các ứng dụng GIS thời gian thực; sản phẩm bản đồ động; dịch vụ bản đồ thuê bao; ứng dụng từ thông tin địa lý tình nguyện; các ứng dụng của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Như Quỳnh