Tôi theo chân Thiền sư cùng 300 đệ tử của thầy trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ năm đó. Những ngày cuối, đoàn dừng chân tại tu viện Lộc Uyển thuộc tiểu bang California. Tại đây, thiền sư tổ chức hai khóa tu cho cộng đồng người Mỹ và người Việt. Sư ông dặn tôi thế, bởi e tôi có thể gặp sự phản ứng tiêu cực của một số người.
Khóa tu diễn ra trong 5 ngày. Cả ngàn người tham dự với đủ lứa tuổi, ngành nghề. Ai đến đây dường như cũng đang ôm ấp những nỗi khổ, niềm đau.
Có những nỗi đau bắt nguồn từ đời sống đương đại như đổ vỡ gia đình, làm ăn thất bại. Song có những tổn thương dằng dai từ mấy chục năm trước, trên những chiếc thuyền lênh đênh vượt biển.
Có người chứng kiến con thuyền chở vợ và mấy đứa con bị sóng nhận chìm vào lòng đại dương. Có người không thể quên cảnh hải tặc giết chồng mình, cướp tiền vàng, vứt xác xuống biển rồi bị chúng thay nhau hãm hiếp. Khi đến nước Mỹ, họ bị mang thai rồi sinh con. Bi kịch ở chỗ, càng lớn, khuôn mặt đứa con lại càng giống kẻ đã hãm hiếp mình. Người mẹ nào không thương đứa con rứt ruột đẻ đau. Nhưng nhìn mặt con là họ lại nhớ đến mặt tên hải tặc. Cả đời, trái tim người mẹ ấy cứ giằng xé.
Nhiều người đã trị liệu, chuyển hóa được nỗi đau khi kết thúc khóa tu. Nhưng cũng có người không thể thoát khỏi ngục tù quá khứ, nhất là từng có địa vị, chức sắc, quyền lợi, sự ấm êm. Họ không thể chấp nhận được sự thật và trở nên hận thù. Thiền sư cho rằng, họ là nạn nhân của khối khổ đau trong chính mình.
Do đặc thù công việc, trong nhiều chuyến đi châu Âu kéo dài 1-2 tháng, tôi gặp gỡ đông đảo người Việt tại đây, không ít người di cư khỏi Việt Nam từ những năm 1954, 1975. Lần đầu gặp tôi, một số tỏ rõ kỳ thị, lạnh lùng, thậm chí miệt thị ra mặt. Có người còn tỏ vẻ rất cảnh giác như tôi là kẻ nguy hiểm.
Điều đó không khiến tôi ngạc nhiên hay bị tổn thương. Bởi tôi hiểu họ. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ là một số người không hề biết gì về đất nước, con người Việt Nam đương đại. Trong suy nghĩ của họ, Việt Nam vẫn còn nghèo nàn, đói khát, lạc hậu như hơn 50 năm về trước. Bởi từ ngày rời Việt Nam, họ chưa một lần trở về, thậm chí cắt đứt mọi liên lạc.
Sau vài lần tiếp xúc, thấy tôi không xin xỏ, lợi dụng, kích động hay làm phiền ai, thiện chí làm việc lợi lạc cho cộng đồng, họ bắt đầu mở lòng. Tôi lắng nghe họ thật kỹ, không phán xét. Những biến cố đau thương dù sao cũng đã qua, chỉ giây phút hiện tại mới đích thực là của mình. Nếu cho phép quá khứ giam hãm, ta mãi sống trong ngục tù khổ đau, không thể hạnh phúc trong hiện tại. Và vì thế, cũng không có tương lai thanh thản.
Chiến tranh đã qua đi 46 năm, nhưng vẫn còn những nỗi đau. Đất nước đã thống nhất mà đâu đó lòng người còn ly tán. Làm thế nào để có được hòa hợp, thống nhất lòng người? Làm thế nào để người Việt khắp năm châu ôm lấy nhau như đồng bào?
Mọi đường lối, chính sách, hành xử của nhà nước và mỗi người hôm nay sẽ dẫn tới hàn gắn nếu bắt nguồn từ cái tâm chân thành, không phân biệt.
Thời Lý - Trần, từ vua quan đến dân thường đã thực tập từ bi, đưa Lý - Trần trở thành triều đại thuần từ nhất trong lịch sử dân tộc. Sau khi chiến thắng quân Nguyên - Mông, quan quân đệ trình vua Trần Thánh Tông một hòm tài liệu, trong có chứa những lá thư liên lạc với giặc của vài nha lại. Thay vì mở hòm để xem kẻ nào đã phản bội, vua tự tay châm lửa đốt trước mặt bá quan để thống nhất lòng trăm họ. Bởi theo ông, chúng ta đã đánh lui quân thù, giành được độc lập, mục đích tối thượng là đoàn kết dân tộc.
Năm 2008, khi về Việt Nam lần thứ hai, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xin phép nhà nước tổ chức ba đại trai đàn chẩn tế cầu siêu bình đẳng, giải oan cho cả người Bắc, người Nam ở hai bên chiến tuyến. Người Việt cùng chắp tay cầu nguyện cho 6 triệu sinh mạng đã mất bởi chiến tranh. Hành động đó giúp thả trôi bớt hận thù trong quá khứ, vun đắp sự lòng người.
Thống nhất lòng người hôm nay có thể coi là sự nghiệp chung của nhà nước và mọi người, mọi giới. Trong hành trình hòa hợp dân tộc này, tất cả chúng ta đều là đại sứ.
Hoàng Anh Sướng