Tôi đã đến bảo tàng Newseum và đọc về cách báo chí Mỹ trưởng thành ra sao trong cuộc chiến. Những nhà báo dũng cảm nhảy vào chiến trường và liều mình để trả lời câu hỏi mà nước Mỹ xa xôi không hề biết đến - về Việt Nam của tôi. Bảo tàng có một phần mô tả Hồ sơ Pentagon được Daniel Ellsberg dũng cảm tung ra cùng tờ New York Times, Washington Post và 17 đầu báo khác ở Mỹ, chứng minh chính quyền Tổng thống Johnson đã nói dối công chúng Mỹ về khả năng chiến thắng trong cuộc chiến ở Việt Nam. Ở đó cũng có những đoạn radio, truyền hình trực tiếp gửi về từ cuộc chiến, ồn ào với đầy tranh luận tại quê nhà.
Tôi đã lái xe qua những con đường ở bang Texas, nhìn thấy nghĩa trang hàng ngàn bia mộ, những cây cầu và con đường mang tên "Tưởng niệm chiến tranh Việt Nam", "Cầu Cựu binh Việt Nam". Thập giá đứng thẳng trên con đường tít tắp. Hàng ngàn người trẻ nằm xuống, hệt như khi tôi đứng ở nghĩa trang Đường 9 Nam Lào. Người Texas giải thích: "Ở đây nhiều nơi quá nghèo, đi lính là sự nghiệp đầu đời của rất nhiều thanh niên trẻ".
Tôi đi bộ xuống bức tường tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington DC. Không phải người lính oai hùng dìu nhau qua lửa đạn, không phải tượng đài hùng dũng vung súng gươm chiến thắng mà là một dải đường đi xuống sâu mãi, xung quanh bị vây bọc bởi hàng chục ngàn tên người đã tan thành tro bụi vì cuộc chiến. Một vũng lầy bức bối.
Vị giáo sư đi cùng đưa cho tôi một quyển sách: American Pastoral của nhà văn Philip Roth và bảo "hãy đọc trên đường đi". Quyển tiểu thuyết kể về cô bé người Mỹ tên Merry lần đầu biết đến chiến tranh là khi bị thôi miên bởi màn hình tivi đang chiếu Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu trong ngùn ngụt lửa. Từ khoảnh khắc đó, Merry lớn lên cùng "căn bệnh" chiến tranh sốt cao hầm hập trong lồng ngực người Mỹ. Trào lưu cực đoan của giới trẻ Mỹ hiện diện trong hình ảnh Merry. Cô đặt câu hỏi không ngớt vì sao ông nội không chống chiến tranh? Vì sao ta mang bom tới để nổ trẻ con Việt Nam thành từng mảnh? Sự cực đoan bùng nổ khi Merry ngấm ngầm tự chế một quả bom và giết chết một người hàng xóm vô tội trong bưu điện khu phố, rồi nhiều quả bom khác... Đó là Tháng Hai 1968, trùng với Tết Mậu Thân đẫm máu.
Trên suốt hành trình, giáo sư kể cho tôi nghe chuyện bạn bè ở đại học của ông tranh luận gay gắt trên sân lớn giảng đường về chiến tranh Việt Nam, có khi kết thúc bằng xô xát. Cuộc chiến khuấy tuổi trẻ của họ thành dung dịch hỗn tạp, pha trộn giữa câu hỏi về danh tính, chính nghĩa, lương tâm và sự mù quáng.
Tôi sinh ra sau chiến tranh. Phần lớn các câu chuyện được dựng lại qua góc nhìn của người lớn kể, sách giáo khoa và những bài báo mùa 30/4 đến. Tôi đã đi hàng ngàn dặm, để nghe câu chuyện về cuộc chiến xảy ra ngay trên quê mình trong lăng kính cá nhân và vô cùng vụn vặt của từng người Mỹ. Michael kể về sự nghiệp đã khiến ông sống độc thân suốt đời. Ông chỉ nhớ được Việt Nam nhiều muỗi, nóng, và những cơn sốt nhiệt đới. Sau đó là Nga Xô Viết, lạnh giá, và ngồi dịch tài liệu tình báo. Vị luật sư kể về "thời hào hùng" của ông và đám bạn trai cùng trường, khi thách thức cảnh sát để thể hiện chính kiến của mình, đòi chấm dứt chiến tranh, và bị ném vào buồng tạm giam suốt 48 giờ.
Chuyến đi làm tôi tự hỏi về cách chiến tranh Việt Nam được định nghĩa trong mình. Cha tôi thường kể bạn bè ông đi bộ đội thế nào, chiến thắng ra sao một cách tổng quát như tranh phác thảo. Thầy giáo tôi ở Sài Gòn lại kể về những ngày cải tạo sau hòa bình với phần nhiều cảm xúc và nước mắt. Nhiều lăng kính chập lại tạo thành tâm thức mâu thuẫn trong con người hậu chiến. Cứ như thể có thời cha và thầy giáo từng sẵn sàng hạ sát nhau nếu chạm mặt. Đứa trẻ trong tôi thường tự hỏi: "Cuối cùng cái gì đã khiến cuộc chiến tương tàn đến vậy?"
Cứ mỗi 30/4 hàng năm, cuộc chiến được mổ xẻ lại bằng chiến tích của người thắng , sự buồn giận của người thua. Họ kể lại cuộc chiến bằng uất ức đậm nét và nhiều vết xước. Đám thanh niên hậu chiến có cơ hội được nhìn cuộc chiến chậm lại và bình tĩnh hơn, với nhiều cận cảnh con người, cảm xúc, quyết định cá nhân hay chọn lựa của họ vào thời khắc quan trọng của lịch sử. Nhưng rất ít người đi trước thực sự có ý thức chuyển tải lịch sử đó vào tay người chớm trưởng thành bằng nỗ lực nguyên dạng của nó. Chúng tôi chưa bao giờ được học về thuyền nhân, về những cuộc cải tạo úp mở hằn sẹo trong tim nhiều gia đình ở miền Nam, về những biến động lẽ ra có thể khác đi, bớt thắng thua ồn ào và nhiều chân dung con người hơn.
Tôi mong sao những người chạm tay vào cuộc chiến sẽ kể chuyện bằng tấm lòng bao dung khi nhìn vào quá khứ đầy vết xước của cuộc chia cắt chưa ai từng muốn. Kể lại bằng cái nhìn chậm rãi, lui dần và tĩnh lặng. Sẽ không còn điệp khúc "ta thắng, địch thua" hay "bọn chiếm Sài Gòn" nhiều tầng nghĩa được ném vô thức vào tâm hồn bọn trẻ. Tôi muốn nghe câu chuyện của con người, như Texas hàng ngàn bia mộ, hay đứa con gái Việt Nam kể rằng bạn đã xa cha và mất mẹ thế nào khi súng nổ và người không nhìn vào mắt nhau.
Hiểu được lịch sử và thân phận dân tộc, hiểu được đắng xót và mặt người trong xung đột, hiểu được hòa bình là thỏa hiệp khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Chỉ cần hiểu để không làm đau thêm những con người hiện tại quanh mình, vốn có một phần xương thịt tạo hình từ quá khứ.
Khải Đơn