- Có nhiều ý kiến cho rằng quý I, trong khi tăng trưởng tín dụng chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP vẫn gần 5% là điều khó hiểu, vì lâu nay tăng trưởng GDP của chúng ta vẫn dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết, cần hiểu rằng mức tăng trưởng tín dụng chưa đến 1% ở đây là tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước công bố. Dư nợ tín dụng không chỉ phụ thuộc vào doanh số cho vay mà còn phụ thuộc vào thu nợ của các ngân hàng.
Ông Đỗ Thức cho rằng ngân hàng là kênh quan trọng để cung ứng vốn cho sản xuất nhưng không phải là kênh duy nhất. Ảnh: Nhật Minh |
Đành rằng ngân hàng thương mại là một kênh rất quan trọng trong việc cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, nhưng không phải là kênh duy nhất. Vốn phục vụ sản xuất kinh doanh còn gồm nguồn tự có của doanh nghiệp hoặc các đơn vị vay lẫn nhau và tiền của dân cư đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh... Những nguồn vốn trên được huy động không qua hệ thống ngân hàng. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đầu tư từ nguồn vốn tự có so với vốn vay trong giai đoạn hiện nay là 1,15-1,35/1.
Hai là, hiện nay, tăng trưởng kinh tế của nước ta chủ yếu dựa vào vốn và lao động, nghĩa là về cơ bản muốn tốc độ tăng GDP cao thì đẩy mạnh đầu tư. Tuy nhiên, nói quan hệ đó là phải xét trong khoảng thời gian dài, nhiều năm, vài năm, hoặc chí ít cũng phải là một năm. Còn trong một quý mà lại là quý I mà rút ra nhận xét như vậy là chưa thỏa đáng. Ta còn nhớ, quý I/2012 tăng trưởng tín dụng giảm 1,2% mà GDP vẫn tăng 4,75%.
- Một số chuyên gia cho rằng cách tính GDP của Việt Nam là cách tính về phía cung, cần kiểm tra chéo bằng cách tính về tổng cầu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- GDP được tính theo phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập. Ở Việt Nam hiện nay, căn cứ vào các kênh thông tin thống kê thu thập thì GDP được tính theo phương pháp sản xuất cho quý và năm.
Phương pháp sử dụng cuối cùng đang được áp dụng tính toán GDP cho năm, việc áp dụng tính toán cho quý đang trong thời gian thử nghiệm. Nhiều nước trên thế giới cũng tính GDP như Việt Nam hiện nay.
- Có thực tế là số liệu thống kê GDP của Tổng cục với các cơ quan thống kê địa phương hoặc với các bộ ngành vênh nhau khá lớn. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới tính chính xác của các số liệu như thống kê về GDP?
- Thực tế hiện nay tỷ lệ tăng GDP của của các tỉnh, thành thường cao hơn cả nước hoặc có sự khác nhau về số liệu một số chỉ tiêu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành như tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo.
Nguyên nhân của chênh lệch này là Tổng cục Thống kê tính GDP cho phạm vi cả nước theo phương pháp sản xuất, không trên cơ sở cộng đơn thuần số liệu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các Cục Thống kê tính GDP cho cấp tỉnh chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Vì vậy, sự chênh lệch trên không ảnh hưởng đến tính chính xác của số liệu GDP cả nước.
Mặt khác, việc tính chỉ tiêu tăng trưởng GDP của nhiều địa phương còn chịu áp lực từ “bệnh thành tích” của lãnh đạo địa phương. Tổng cục Thống kê đang triển khai Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa trung ương và địa phương” nhằm bảo đảm tính hợp lý giữa số liệu cả nước và các tỉnh, thành phố.
Về chênh lệch số liệu giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, thực tế chúng tôi tính toán các chỉ tiêu trên cơ sở phương pháp luận của thống kê quốc tế. Sự khác nhau giữa số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu của bộ, ngành chủ yếu do khái niệm, nội dung chỉ tiêu và phạm vi tính toán khác nhau.
Theo Chinhphu