Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" phát sóng ngày 7/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trao đổi về vấn đề lợi ích nhóm và xung quanh những tin đồn về một số lãnh đạo nhà băng trong thời gian qua.
Là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận, hệ thống văn bản để quản lý hệ thống ngân hàng không theo kịp tốc độ, trình độ phát triển của các ngân hàng cổ phần dẫn đến gây nhiều lỗ hổng. Ông Bình nhấn mạnh: "Hoạt động thanh tra giám sát không phát huy hiệu quả. Từ chỗ hệ thống phát triển nhanh, nóng, công tác chưa hiệu quả nên có nhiều hệ lụy đặt ra trong ngày hôm nay".
Thống đốc cho rằng lợi ích nhóm có thể thao túng ngân hàng và ảnh hưởng đến cả hệ thống. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một trong những hệ lụy mà ông Bình nhắc đến là vấn đề lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng. "Có những ngân hàng chỉ do một, hai cổ đông hoặc một nhóm cổ đông chi phối, dư nợ ngân hàng có đến 70 - 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó. Đặc biệt, các nhóm cổ đông này sử dụng vốn không hiệu quả, gây nên thất thoát vốn, buộc ngân hàng phải tái cơ cấu", ông Bình lý giải.
Thống đốc cũng kết luận: "Lợi ích nhóm là rào cản lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu. Nó có thể thao túng ngân hàng và ảnh hưởng đến cả hệ thống".
Trong lần đăng đàn trả lời dân chúng, ông Bình cũng khẳng định quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong cuộc chiến chống lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, ngoài một số bộ phận các ngân hàng nhận thức và cùng phối hợp với ngân hàng Nhà nước, vẫn có một số bộ phận, nhóm cổ đông của các nhà băng câu kết với các phần tử trong nước, phần tử phần động nước ngoài. "Họ câu kết với nhau để đưa ra những thông tin bóp méo thực tế tái cấu trúc ngân hàng để gây hoang mang dư luận để làm cơ quan quản lý chùn bước trong việc xử lý vấn đề này", ông Bình nói.
Về cuộc chiến chống lợi ích nhóm, ông Bình thông tin thêm, qua đợt kiểm điểm, tự phê bình, ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã kiểm điểm sâu sắc về vấn đề này. "Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng ghi nhận không có lợi ích nhóm trong ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước cũng như từng cá nhân trong ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước", ông Bình cho biết và khẳng định sẽ "kiên quyết không lùi bước" trong việc đấu tranh với lợi ích nhóm để xử lý các ngân hàng yếu kém, mang lại sự lành mạnh cho tổ chức tín dụng.
Cũng tại cuộc trao đổi này, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng không nên cho rằng việc các doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay là do chính sách tiền tệ quá thắt chặt của chúng ta. "Không thể nói chính sách tiền tệ quá chặt mà là được điều hành một cách chặt chẽ, linh hoạt. Việc một số doanh nghiệp gặp khó khăn thì là hệ lụy đã lường đón trước được. Đó là giá phải trả để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ trương tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam", ông Bình phân tích.
Thanh Thanh Lan