(Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 7/10)
- Thưa Thống đốc, những kết quả mà ngành Ngân hàng đạt được trong thời gian qua rất đáng khích lệ như lãi suất giảm mạnh, tỷ giá ổn định. Tuy nhiên có một luồng dư luận khác cho rằng do chính sách tiền tệ - tài khóa đã thắt quá chặt, quá nhanh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, là nguyên nhân gây ra khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải giải thể. Thống đốc bình luận ra sao về các ý kiến này?
- Mục tiêu xuyên suốt trong năm 2012 và những năm tiếp theo của Đảng và Nhà nước ta là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Kiểm điểm lại năm 2012, chúng ta đã thực hiện khá đầy đủ và về cơ bản các mục tiêu đề ra. Lạm phát đã được kiềm chế ở mức một con số. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được ổn định, và chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng dù chưa cao so với các năm trước nhưng theo đánh giá là mức hợp lý trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, và chúng ta cũng đảm bảo được an sinh xã hội. Như vậy các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô về cơ bản đã đạt được. Trong đó có phần đóng góp to lớn của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Ở đây, tôi xin lưu ý, chúng ta không thể nói chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua là quá thắt chặt. Bởi lẽ biểu hiện lớn nhất, rõ nét nhất của chính sách tiền tệ thắt chặt là thanh khoản khó khăn, lãi suất tăng lên. Nhưng trong một năm vừa qua, lãi suất của hệ thống ngân hàng liên tục giảm và đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện rất lớn. Như vậy, không thể nói chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua là quá chặt mà có thể nói chính sách tiền tệ điều hành chặt chẽ, linh hoạt. Từ đó giúp kiềm chế lạm phát và vẫn đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý.
Còn việc hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn là hệ lụy mà chúng ta đã lường đoán trước được và cũng là cái giá phải trả để kiềm chế được lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và cũng là chủ trương tái cấu trúc lại các doanh nghiệp Việt Nam.
- Thưa Thống đốc, hoạt động ngân hàng năm qua đã chứng kiến nhiều mốc lịch sử quan trọng của ngành. Lần đầu tiên các ngân hàng thương mại phải sáp nhập, hợp nhất, lần đầu tiên có các tên ngân hàng đã tồn tại hàng chục năm như Habubank phải vĩnh viễn biến mất. Nhìn toàn diện quá trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại có vẻ như rất yên ả. Nhưng có nhiều ý kiến bàn tán về việc lợi ích nhóm trong quá trình tái cấu trúc. Vậy có hay không lợi ích nhóm trong quá trình này? Thống đốc lý giải ra sao?
- Trong những vừa năm qua, chúng ta đã chứng kiến hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, đặc biệt hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần phát triển rất mạnh, đôi khi chúng ta phải nói thẳng là quá nóng.
Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống ngân hàng nói chung, đặc biệt đối với các ngân hàng cổ phần còn rất nhiều bất cập. Hệ thống văn bản, thể lệ chế độ để quản lý hoạt động của các ngân hàng thương mại không theo kịp trình độ phát triển và tốc độ phát triển của các ngân hàng thương mại cổ phần, dẫn tới rất nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng gây khó khăn cho công tác quản lý các tổ chức tín dụng. Hoạt động thanh tra giám sát không phát huy được hiệu quả, đôi khi chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận còn là buông lỏng thanh tra, giám sát trong thời gian vừa qua.
Từ chỗ hệ thống phát triển nhanh, nóng, công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, dẫn tới rất nhiều hệ lụy đặt ra cho hôm nay phải chấn chỉnh. Một trong những hệ lụy đó là xuất hiện lợi ích nhóm. Có những nhóm lợi ích xuất hiện trong mỗi một ngân hàng, cũng như trong cả hệ thống ngân hàng. Nó có thể thao túng hoạt động của một ngân hàng và ảnh hưởng đến cả hệ thống.
Vừa qua, trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần, bằng cách triển khai hoạt động thanh tra giám sát quyết liệt, bài bản, và hiệu quả thì tất cả các nội dung đó đã được phơi bày.
Có những ngân hàng chỉ do 1, 2 hoặc 1 nhóm cổ đông chi phối và dư nợ của ngân hàng chiếm đến 70 - 90% là phục vụ cho nhóm cổ đông đó. Đặc biệt, các nhóm cổ đông này sử dụng vốn ngân hàng không hiệu quả, gây thất thoát vốn ngân hàng, buộc ngân hàng phải nằm trong chương trình tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước.
Phần lớn các tổ chức tín dụng và phần lớn các cổ đông này đã nhận thức được vấn đề và phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để đưa ra phương án xử lý.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một bộ phận các nhóm cổ đông hoặc các cổ đông chống đối, dưới hình thức trước mặt cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước thì họ buộc phải chấp nhận vì những bằng chứng rõ ràng, nhưng bên ngoài thì họ cấu kết với những phần tử xấu ở trong nước, thậm chí phần tử phản động ở nước ngoài, đưa ra các thông tin thất thiệt, bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bóp méo thực tế tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, gây hoang mang trong dư luận, gây hoài nghi trong lãnh đạo các cấp vào chương trình tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, để làm cơ quan quản lý Nhà nước chùn bước trong việc xử lý các vấn đề này, từ đó xuất phát những tin đồn ngoài thị trường về lợi ích nhóm trong quá trình tái cơ cấu.
Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận thức rất rõ vấn đề lợi ích nhóm là rào cản lớn nhất trong toàn bộ quá trình tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định kiên quyết đấu tranh chống lại lợi ích nhóm.
Gần đây, qua đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 của Đảng, Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện kiểm điểm hết sức sâu sắc. Kết thúc đợt kiểm điểm, thay mặt đoàn công tác Chủ tịch nước Trương Tấn Sang qua kiểm điểm Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận không có “lợi ích nhóm” trong tập thể Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước, cũng như từng cá nhân trong Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.
Chúng tôi vẫn kiên quyết không lùi bước trong cuộc đấu tranh với lợi ích nhóm để xử lý được các ngân hàng thương mại , trước mắt là các ngân hàng yếu kém, mang lại sự lành mạnh cho từng tổ chức tín dụng và cả hệ thống tổ chức tín dụng.
- Sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt gây chao đảo cho ngân hàng ACB và hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện ngay các biện pháp đối phó và kịp thời hỗ trợ và đến nay ACB đã hoạt động bình thường. Đây được coi là thành công của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, xã hội vẫn còn lan truyền nhiều tin đồn nay Chủ tịch ngân hàng này mai Ttổng giám đốc ngân hàng kia bị bắt gây hoang mang trong giới tài chính ngân hàng và người gửi tiền, Thống đốc nhận định ra sao về vấn đề này?
- Trong chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, do đặc thù của hoạt động ngân hàng nên phương châm trong quá trình xử lý Ngân hàng Nhà nước đã trình Bộ Chính trị và Chính phủ thông qua là tái cấu trúc hệ thống nhưng phải đảm bảo an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng.
Do vậy, cá nhân nào đó trong Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc của ngân hàng thương mại vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, do đặc thù của hoạt động ngân hàng đòi hỏi chúng ta phải có cách xử lý bài bản hơn. Mục tiêu quan trọng là nếu cá nhân, tổ chức nào có sai phạm để thất thoát tiền của Nhà nước, thất thoát tiền nhân dân thì phải tạo điều kiện cho họ trước tiên khắc phục đầy đủ các thất thoát đó, để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, của nhân dân, người gửi tiền và an toàn của hệ thống, còn những hành vi vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Trong thời gian qua có tin đồn này, tin đồn nọ gây hoang mang trong quần chúng, nhưng quần chúng không có gì phải hoang mang cả vì đây đã là một chương trình có trước, Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quản quản lý pháp luật có đầy đủ tất cả phương án để xử lý tất cả hệ lụy.
Cũng nhân những việc vừa rồi, các thế lực thù địch, thậm chí là thế lực phản động cũng có đưa ra những tin đồn thất thiệt như vậy gây hoang mang. Chúng tôi đề nghị nhân dân cảnh giác với những thông tin đó và hoàn toàn tin tưởng vào sự vận hành thị trường của cơ quan quản lý Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.