Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng đang diễn ra sáng ngày 17/6 tại Hà Nội. Phát biểu tại Hội nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình một lần nữa nhắc nhở các ngân hàng về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013. Theo người đứng đầu ngành, tín dụng 3 tháng đầu năm 2013 đã tăng trưởng dương - việc mà năm 2012 cần tới nửa năm trời - cho thấy tín dụng đã cải thiện nhiều. Ông cho biết, đến nay tín dụng tăng khoảng 3% và để đạt mục tiêu 12% thì 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 9%. "Năm ngoái chúng ta cũng đạt gần 9% trong 6 tháng cuối năm. Nếu làm được như năm ngoái thì sẽ đảm bảo cả năm nay được 12% như chỉ tiêu đặt ra", vị tư lệnh ngành cho hay.
Ông Bình cũng cho hay, nếu điều kiện kinh tế tốt hơn có thể đạt tăng trưởng tín dụng 15%. "Làm tốt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới mong đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mốc 5-5,5%", Thống đốc nhấn mạnh.
Trước đó, không ít chuyên gia lo ngại mục tiêu tín dụng tăng 12% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra khó đạt được trong bối cảnh vốn ngân hàng đẩy ra nền kinh tế vẫn thấp. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy vốn ngân hàng đã dần dược "mở van". Cụ thể, đến ngày 22/5, tín dụng tăng trưởng 2,29% so với đầu năm. Riêng dư nợ cho vay bằng VNĐ tăng 4,57%.
Một trong những khó khăn hiện nay được cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng và các chuyên gia nêu là tổng cầu, sức mua của nền kinh tế thấp. "Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị với Chính phủ để nâng phát hành trái phiếu Chính phủ, nâng mức đầu tư công qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết công ăn việc làm, như vậy mới góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng", ông Bình cho hay.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận thực tế dư thừa vốn của hệ thống trong bối cảnh tín dụng đang tắc nghẽn. Tuy nhiên, theo ông, dù vốn dồi dào hơn trước nhưng hệ thống vẫn chưa đưa được mức an toàn về vốn dù hệ số sử dụng vốn đã giảm từ trên 100% xuống 95-96%. Ông cho hay, ở các nước, hệ số này chỉ 60-70%. Nhưng thị trường chứng khoán và vốn của họ hoạt động hiệu quả còn Việt Nam chưa tốt nên mức 80%-85% là phù hợp. "Bản thân các ngân hàng thấy không đẩy vốn ra được, xã hội nói chúng ta thừa vốn nhưng để ổn định lâu dài, không những duy trì mức này mà theo tôi cần tiếp tục củng cố để đưa hệ số sử dụng vốn về 80-85% thì hệ thống mới ổn định", Thống đốc nhấn mạnh.
Giảm lãi suất cho vay là một trong những công cụ Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua. Cũng tại hội nghị của ngành cách đây một năm, chính Thống đốc đã đưa ra lời hiệu triệu đồng loạt giảm tất cả khoản vay cũ về dưới 15% để hỗ trợ doanh nghiệp. Sau một năm mạnh tay giảm lãi suất, đến nay Thống đốc cho biết 64% các khoản vay đã ở dưới mức 13% một năm. Ông thông tin, mức lãi suất dưới 10% hiện chiếm 14% trên tổng dư nợ, từ 10-13% cũng xấp xỉ 50%. Còn theo số liệu thống kê, lãi suất trên 15% hiện chiếm 12%. "Nhìn chung lãi suất của hệ thống đã giảm mạnh. Tôi nói nặng về lãi suất cho vay vì mức đó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế xã hội", ông Bình giải thích về những biện pháp quyết liệt trong cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, việc đề án xử lý nợ xấu và sự ra đời của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) cũng được xem là những chỉ báo tích cực tạo cơ sở cho tín dụng tăng trưởng. Thống đốc cho biết, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại nợ 285.000 tỷ (xấp xỉ 10% dư nợ tín dụng) và ngăn những khoản vay này trở thành nợ xấu. Ông Bình cũng khẳng định hệ thống đã tự xử lý dược 70.000 tỷ nợ xấu (2,5% tổng dư nợ). Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận nợ xấu cũ được xử lý nhưng nợ xấu mới lại phát sinh do các điều kiện vĩ mô chưa ổn định. "Chúng ta vẫn phải đi cả hai hướng, tiếp tục xử lý nợ xấu cũ và tiếp tục khơi thông dòng vốn thì mới ngăn được nợ xấu gia tăng", ông lưu ý với các ngân hàng.
Tại hội nghị sáng 17/6, Thống đốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng có trạng thái huy động và cho vay bằng vàng phải nhanh chóng tất toán. Ông Bình cũng thừa nhận trước đây chưa thể xử lý quyết liệt với các nhà băng bởi thanh khoản chưa thực sự tốt. Tuy nhiên, nay thanh khoản đã ổn định và lãi suất hợp lý nên các ngân hàng hoàn toàn có điều kiện để đóng trạng thái vàng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bán vàng ra để hỗ trợ các ngân hàng nhưng Thống đốc cho biết, sắp tới sẽ hành động quyết liệt và không chần chừ. "Tôi đã nói là làm. Đề nghị các ngân hàng còn trạng thái vàng thì phải nghiêm túc chấp hành", Thống đốc tuyên bố.
Song Linh - Thanh Lan